Tiếng Việt | English

02/12/2020 - 09:49

Siết chặt quản lý thị trường cuối năm

Thời điểm này, các lực lượng chức năng chuẩn bị kế hoạch để chủ động kiểm soát thị trường, ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, góp phần bảo vệ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra, xử lý các điểm bán thuốc lá

Kịp thời phát hiện nhiều vụ việc

Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Phạm Đức Chinh cho biết, 11 tháng qua, lực lượng 389 tỉnh tiến hành kiểm tra trên 6.600 vụ việc. Qua đó, phát hiện 3.120 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 234,7 tỉ đồng. Trong các vụ việc vi phạm, có 15 vụ hàng kém chất lượng, 28 vụ hàng giả sở hữu trí tuệ, đáng chú ý là có đến 1.825 vụ việc gian lận thương mại.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hàng ngày của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh được hình thành trên cở sở nhu cầu của người tiêu dùng. Nhìn chung, đa số đơn vị kinh doanh xăng dầu cơ bản đều chấp hành yêu cầu về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm kinh doanh vi phạm. Từ tháng 12/2019 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra 78 điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện 8 trường hợp vi phạm, gồm 7 trường hợp vi phạm về đo lường và chất lượng, 1 trường hợp vi phạm về giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo đã hết hiệu lực theo quy định. Đến nay, có 7 trường hợp có quyết định xử phạt với số tiền gần 289 triệu đồng (1 trường hợp đang chờ xử lý).

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo

Trong 7 trường hợp vi phạm về lĩnh vực đo lường và chất lượng, các hành vi vi phạm gồm kinh doanh xăng dầu sử dụng cột đo xăng RON95-III và xăng E5 RON92-II có sai số phép đo vượt quá giới hạn sai số cho phép, chất lượng xăng không phù hợp với QCVN 01:2015/BKHCN. Điều đáng chú ý là có 1 điểm kinh doanh trong vòng 1 năm bị đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện và xử phạt 2 lần với số tiền trên 220 triệu đồng về hành vi bán xăng không phù hợp với QCVN 01:2015/BKHCN. Điều này chứng tỏ, chủ điểm kinh doanh này cố tình vi phạm nhằm thu lợi bất chính.

Theo Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Văn Bé Ba, hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh những mặt tích cực trong việc phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu thì hiện nay, hoạt động kinh doanh mặt hàng này vẫn còn một số tồn tại, gian lận thương mại. Để khắc phục những tồn tại, thời gian tới, lực lượng chuyên môn của Sở tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra các điểm bán, nhất là các “điểm nóng”, người dân phản ánh nhiều nhằm bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, thương nhân kinh doanh đúng quy định của pháp luật và người tiêu dùng được hưởng những quyền lợi, lợi ích chính đáng.

Phân bón giả, kém chất lượng được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp, gây bức xúc cho nhà nông. Thực tế nhiều năm nay, không ít nông dân mua phải phân bón giả, kém chất lượng dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, công tác thanh, kiểm tra chất lượng phân bón được các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị có liên quan thường xuyên thực hiện nhằm kiểm soát chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường. Từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra 84 cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các lực lượng tiến hành kiểm tra 41 lượt cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 5 mẫu phân bón, 7 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 4 mẫu lúa giống. Qua đó, các lực lượng phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 9 trường hợp với số tiền 60,5 triệu đồng, trong đó có 2 trường hợp buôn bán phân bón giả không có giá trị công dụng, sử dụng; 1 trường hợp buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; 3 trường hợp vi phạm về nhãn; 1 trường hợp vi phạm về điều kiện; 2 trường hợp kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng.

Siết chặt quản lý thị trường

Thuốc lá điếu nhập lậu vẫn là một trong những mặt hàng trọng điểm kiểm tra, kiểm soát của lực lượng 389. Trong 11 tháng năm 2020, các lực lượng 389 đã phát hiện, bắt giữ trên 2,2 triệu gói thuốc lá nhập lậu. Ngày 26/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP (NĐ98) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15/10/2020. Theo NĐ98, đối với người có hành vi buôn bán, tàng trữ dù chỉ 1 gói thuốc lá nhập lậu có thể bị phạt tới 3 triệu đồng. Mức phạt tiền cao nhất từ 90-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 gói trở lên.

Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra, xử lý các điểm bán thuốc lá

Ông Phạm Đức Chinh chia sẻ, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chắc chắn nhu cầu tiêu thụ thuốc lá điếu nhập lậu trong nước sẽ tăng cao, do đó tình trạng buôn lậu thuốc lá tiếp tục diễn biến phức tạp. Để thực hiện NĐ98, lực lượng QLTT sẽ triển khai một cách quyết liệt để đạt mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất lượng thuốc lá nhập lậu và tiêu thụ tại thị trường trong nước. Để kiểm soát tốt thị trường, Ban Chỉ đạo 389 sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu thuốc lá. Đặc biệt, các lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào các điều, khoản của NĐ98 để xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán dù chỉ 1 gói nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu thuốc lá trong tình hình mới.

Theo đó, Cục QLTT tỉnh có văn bản chỉ đạo các đội nghiệp vụ trực thuộc tăng cường tuyên truyền, kiểm tra hoạt động buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Thông qua đó, các đội vận động các cơ sở kinh doanh mặt hàng thuốc lá trên địa bàn quản lý, thực hiện ký cam kết không buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu. Vào ngày 24/11, trong quá trình kiểm tra thị trường, Đội QLTT số 1 đã phát hiện, lập biên bản và tiến hành các bước xử lý đối với 2 điểm bán tạp hóa trên địa bàn huyện Đức Hòa có hành vi mua bán thuốc lá điếu nhập lậu (1 điểm phát hiện 6 gói, điểm thứ 2 phát hiện 15 gói). Theo lãnh đạo Đội QLTT số 1, hy vọng khung hình phạt cao làm thay đổi ý thức người dân. Đội sẽ tiếp tục tuyên truyền, duy trì kiểm tra thường xuyên nhằm xử phạt và răn đe, đây cũng là những yếu tố tác động tích cực, về lâu dài giúp đẩy lùi vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Tổng cục QLTT vừa ban hành Kế hoạch số 17/KH-TCQLTT, ngày 24/11/2020, thời gian triển khai từ ngày 25/11/2020 đến 25/02/2021. Thực hiện kế hoạch này, Cục QLTT tỉnh sẽ phối hợp cơ quan có liên quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT. Qua đó, các lực lượng tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng vào các mặt hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật,... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết