Tiếng Việt | English

29/07/2019 - 20:12

Sở Công Thương Long An cần làm việc với nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng

Chiều 29/7, Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Long An do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần làm Trưởng đoàn có cuộc làm việc với Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Công Thương về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị ngành công thương giai đoạn 2015 đến nay, định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út dự.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần làm Trưởng đoàn có cuộc làm việc với Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Công Thương

Ban Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, mặc dù trong bối cảnh kinh tế có nhiều bất ổn nhưng hoạt động công nghiệp, thương mại của tỉnh phát triển rất mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2016 - 2018 như sau: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh (giá so sánh 2010) năm 2016 là 9,1%; năm 2017 là 9,53%; năm 2018 đạt 10,36% (khu vực II tăng 15,41%; khu vực III tăng 6,73%).

Cơ cấu kinh tế hiện nay chuyển dịch đúng hướng. Các chỉ tiêu khác: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 2010) tăng bình quân 17%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 16,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2%/năm; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 13,6%/năm.

Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức phát biểu tại cuộc làm việc

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, Sở Công Thương gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Các vấn đề này được đại biểu tham dự tập trung làm rõ và đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, tuy Sở Công Thương là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về cụm công nghiệp (CCN), nhưng thực tế trong cả quá trình đầu tư xây dựng và vận hành một dự án CCN đều không thuộc thẩm quyền Sở Công Thương mà còn phụ thuộc các sở chuyên ngành khác.

Về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với CCN của tỉnh không có dẫn đến chưa thu hút đầu tư được các CCN đặc thù có ngành nghề ưu tiên phát triển như ngành công nghiệp hỗ trợ; chưa có sự bình đẳng trong cơ chế chính sách quản lý giữa KCN và CCN (thời gian miễn tiền thuê đất: CCN là 11 năm, KCN là 15 năm).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có doanh nghiệp nào được công nhận là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp. Mặc dù ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm tăng trưởng khá về cơ cấu đều đạt, nhưng ngành chế biến sâu chiếm tỉ trọng chưa nhiều, làm cho giá trị gia tăng của ngành không cao.

Bên cạnh đó, ngành công thương vẫn còn nhiều khó khăn về phát triển hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thương mại có phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, ít nhiều ảnh hưởng đến tăng trưởng khu vực III chưa đạt mục tiêu đề ra.

Sở Công Thương kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy xem xét ứng vốn để đầu tư lưới điện phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; có giải pháp, cơ chế trong việc bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình 110kv trên cơ sở Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh được duyệt; tiếp tục hỗ trợ ngành điện trong việc giải phóng hành lang thi công các công trình điện, đặc biệt là hành lang trong các KCN để việc triển khai được nhanh chóng và đúng tiến độ.

Về lĩnh vực thương mại, Sở Công Thương kiến nghị, hàng năm, tỉnh quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư phát triển chợ, nhất là nâng cấp các chợ nông thôn và mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm để nhân rộng nhằm góp phần phát triển thương mại nông thôn; để khắc phục tình trạng điểm bán hàng tự phát, cần định hướng quy hoạch KCN, CCN theo hướng 5 trong 1 (công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nhà ở công nhân, nhà trẻ, trường học); cần quy hoạch, mời gọi đầu tư các địa điểm có thể tổ chức các sự kiện, hội chợ thương mại tại TP.Tân An và các địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng khu vực thương mại - dịch vụ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, thời gian qua, tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Công Thương thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành được giao, góp phần cùng tỉnh thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.  

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu điểm hạn chế của Sở Công Thương thời gian qua là công tác phối hợp địa phương, các sở, ngành trong giải quyết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế chưa tốt, vấn đề này cần phải được khắc phục ngay. Đồng thời, Sở Công Thương tập trung rà soát, cập nhật tiến độ thực hiện các CCN đã đi vào hoạt động và đang triển khai thực hiện; báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc và phối hợp sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như cơ chế chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các CCN theo chủ trương phê duyệt.

Đối với lĩnh vực thương mại, Sở tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Công Thương, phấn đấu đạt nhiệm vụ tăng trưởng khu vực dịch vụ - thương mại.

Đồng thời, Sở Công Thương khẩn trương tham mưu UBND tỉnh chỉ thị về việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện hạ tầng các CCN; đánh giá hiệu quả thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế và sớm có quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điện lực có giải pháp kéo điện sinh hoạt nông thôn cho người dân.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2019, phải có ít nhất 3 CCN mới đi vào hoạt động. Sở Công Thương phải làm việc ngay với nhà đầu tư hạ tầng từng cụm nhằm giao kế hoạch và kiểm tra tiến độ hàng tuần để đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, nếu nhà đầu tư hạ tầng không thực hiện tốt phải có biện pháp chế tài./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết