Tiếng Việt | English

29/11/2018 - 14:10

Sở công thương Long An: Một năm nỗ lực “xe duyên” cho nông sản

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tiêu thụ nông sản ở TP.HCM. Ngoài ra, DN, HTX còn được tham gia hội chợ, triển lãm (HCTL) đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối lớn để giúp sản phẩm có đầu ra ổn định.

Nỗ lực “xe duyên”

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: “Thời gian qua, Long An thực hiện rất nhiều cuộc xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản tại tỉnh nhà cũng như trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, kết quả rất khả quan, nếu như thời điểm tháng 6-2017, các DN, HTX chỉ ký 17 hợp đồng thương mại với đối tác thì hiện nay, con số này lên đến 139. Dự báo, số lượng hợp đồng thương mại tiếp tục được tăng lên bởi Sở Công Thương Long An và Sở Công Thương TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2020 về việc cung cấp hàng hóa, đặc biệt là nông sản. Thuận lợi lớn của Long An là có quy hoạch vùng trồng chuyên canh các loại nông sản được tập trung sản xuất. Đặc biệt, Long An và TP.HCM có địa bàn giáp ranh nên việc liên kết, kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản rất thuận lợi”.

Long An đang tập trung đẩy mạnh tiêu thụ chanh không hạt vào hệ thống siêu thị mini tại các khu chung cư cao cấp ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố phía Bắc và khu vực miền Tây Nam bộ

Thực hiện bản thỏa thuận hợp tác, Sở Công Thương tỉnh đã mời các DN, HTX tham gia Đoàn công tác của tỉnh làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) để liên kết xây dựng chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa. Từ đó, giúp sản phẩm của DN, HTX của Long An có đầu ra ổn định, sản phẩm nông dân làm ra dễ tiêu thụ.

Hiện nay, Long An có 6 DN, HTX tham gia Chợ phiên nông sản an toàn vào sáng chủ nhật hàng tuần tại TP.HCM. Qua đó, các DN ký được nhiều hợp đồng cung ứng gạo, rau an toàn, chuối cho các đối tác TP.HCM. Cụ thể, Công ty TNHH SX TM DV Gạo an toàn Minh Tâm (Cần Đước) cung ứng gạo chất lượng cao cho 3 đại lý gạo tại TP.HCM. HTX Rau an toàn Việt ký được 10 hợp đồng cung ứng rau vào chuỗi nhà hàng tại TP.HCM. Công ty TNHH Huy Long An ký hợp đồng cung cấp chuối cho Satra, Saigon Co.op và các shop trái cây trên địa bàn TP.HCM.

Theo nhận xét từ Sở Công Thương, Nông trang Hải Âu là một trong những DN rất chịu khó trong việc tham gia các HCTL để quảng bá về thương hiệu chanh không hạt Vica Lime. Chính vì vậy, thời gian gần đây, sản phẩm của nông trang cung ứng mạnh vào hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Ông Nguyễn Hải Âu - đại diện nông trang, cho biết: “Ngoài cung ứng chanh đến Saigon Co.op, nông trang còn được hỗ trợ và cung ứng chanh cho chợ đầu mối Thủ Đức. Đặc biệt, chanh được các tỉnh khu vực phía Bắc biết đến thông qua các HCTL. Từ đó, sản lượng cung cấp cho thị trường ngày càng tăng. Hiện bình quân nông trang tiêu thụ từ 250-300 tấn/tháng ra thị trường”.

Ngoài “xe duyên” cho nông sản tại các HCTL, các DN đầu mối tiêu thụ tại TP.HCM, Sở Công Thương còn phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành tổ chức đoàn làm việc với DN có đông công nhân để kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản vào các bếp ăn tập thể. Các DN bước đầu cung ứng gạo, rau, củ, quả vào một vài bếp ăn tập thể tại các DN.

Theo ông Lê Minh Đức, việc kết nối tiêu thụ nông sản vào các bếp ăn tập thể có đông công nhân có nhiều cái lợi. Đó là DN, HTX không cần phải qua trung gian giao nhận hàng hóa, không tốn chi phí nên giá thành sẽ hạ xuống. Thông qua đó, công nhân tiếp cận được nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe để duy trì công việc phục vụ quá trình sản xuất của DN. Đã có nhiều DN, HTX tiếp cận và tiêu thụ nông sản đến bếp ăn tập thể và duy trì thường xuyên. Điển hình như Công ty Lương thực Long An cung ứng gạo vào hệ thống các bếp ăn tập thể, các cơ sở chế biến đã ký kết trước đây (bình quân tiêu thụ 1.000 tấn/tháng). HTX Phước Thịnh (Cần Giuộc) duy trì hợp đồng cung ứng rau vào bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Jia Hsin (Khu công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước) với trên 5.000 suất ăn công nhân.

Chú trọng sản xuất thực phẩm an toàn

Ông Lê Minh Đức cho rằng, thông qua các buổi tiếp xúc, làm việc với các DN đầu mối tại TP.HCM cũng như các tỉnh, thành khác, hầu hết đối tác đều khẳng định, các mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau, củ, quả sản xuất tại Long An được người tiêu dùng lựa chọn, có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đây chính là niềm tin, động lực giúp DN, HTX đẩy mạnh sản xuất và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để quá trình sản xuất nông sản trở nên ổn định trong thời kỳ cạnh tranh thương mại hiện nay, một trong những giải pháp bền vững là phát triển liên kết sản xuất. Trong đó, tiêu chí quan trọng là các sản phẩm nông nghiệp phải sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP,...

Long An đang tập trung đẩy mạnh tiêu thụ thanh long vào hệ thống siêu thị mini tại các khu chung cư cao cấp ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố phía Bắc và khu vực miền Tây Nam bộ

Vì vậy, Long An tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP,... Hiện nay, các ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, định hướng nông dân chuyển dần sang sản xuất bán hữu cơ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục và quy trình để đạt các chứng nhận an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP cũng được các ngành chức năng quan tâm, đồng hành cùng DN, HTX.

Ông Lê Minh Đức cho rằng, trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, DN, HTX gặp không ít khó khăn. Hiện Sở Công Thương phối hợp các ngành khác như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa. Cụ thể, Long An đã mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Sắp xếp, bố trí các điểm bán hàng và nhân rộng mô hình chợ, điểm bán nông sản thực phẩm an toàn tại chợ, hỗ trợ DN thâm nhập và phát triển thị trường.

Song song với đó, tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác với các địa phương trong cả nước, nhất là TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, chú trọng vào các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng sản phẩm sạch,...). Đặc biệt, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tiêu thụ chanh không hạt, thanh long vào hệ thống siêu thị mini tại các khu chung cư cao cấp ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố phía Bắc và khu vực miền Tây Nam bộ./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết