Tiếng Việt | English

04/12/2019 - 08:52

Sử dụng mạng Zalo trong phòng, chống tội phạm

Là địa phương có vị trí tiếp giáp TP.HCM, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ về Tây Nam bộ và có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia, Long An thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, kéo theo nhiều lao động đến làm việc, sinh sống. Từ đó, KT-XH phát triển, tuy nhiên cũng phát sinh nhiều phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là khu vực tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp.

Hiện nay, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; tội phạm trật tự, xã hội xảy ra nhiều; tội phạm về ma túy có xu hướng tăng; tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê tại một số địa phương diễn biến phức tạp,... Trong tình hình đó, việc xây dựng, củng cố, nâng chất, phát huy các mô hình phòng, chống tội phạm trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là hết sức cần thiết. Và mô hình sử dụng mạng Zalo tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm đã góp phần kéo giảm tội phạm hình sự, đẩy lùi tệ nạn xã hội, đồng thời phát huy vai trò người dân trong phòng, chống tội phạm, là một việc làm mang tính sáng tạo, phù hợp và hiệu quả. Mô hình này được ngành công an triển khai ở một số địa phương, nhất là ở địa bàn trọng điểm như Đức Hòa. Cùng với đó là mô hình móc khóa phòng, chống tội phạm cung cấp số điện thoại lực lượng chức năng cho người dân báo tin tố giác tội phạm,...

Đi đôi với thường xuyên thông tin, tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để người dân cảnh giác, chủ động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngành công an thực hiện mô hình Zalo tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm. Khi phát hiện vụ việc, đối tượng nghi vấn, người dân có thể chụp ảnh và gửi thông tin, hình ảnh của đối tượng, phương tiện. Trong các khách sạn, nhà trọ lưu trú, khi phát hiện tình tiết nghi ngờ, chủ cơ sở có thể chụp gửi hình ảnh, chứng minh nhân dân, phương tiện đi lại cho ngành chức năng.

Ngoài ra, người dân có thể chụp hình ảnh vi phạm về môi trường, cờ bạc, đua xe, tai nạn giao thông, gây rối trật tự nơi công cộng, trộm, cướp,…để gửi cho chính quyền, ngành chức năng xử lý.

Thời gian qua, mô hình Camera giám sát an ninh, trật tự phát triển rộng rãi ở nhiều địa phương, công ty, cơ quan, đơn vị,… phát huy tốt hiệu quả. Tuy nhiên, camera gắn cố định ở một vị trí, giá thành cao, cần chi phí mua sắm, bảo dưỡng lớn. Trong khi đó, người sử sụng điện thoại cá nhân và mạng Zalo nhiều, ở nhiều nơi, luôn di động, rất kịp thời trong ghi nhận và phản ánh thông tin; kinh phí hoàn toàn xã hội hóa, không phải mất chi phí mua sắm và bảo dưỡng, sửa chữa. Đặc biệt là độ bảo mật cao, người dân an tâm hơn khi tham gia tố giác tội phạm.

Ngoài ra, trên giao diện Zalo còn có thể chia sẻ văn bản mang nội dung thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự địa phương; thông tin, thông báo, kêu gọi những việc cần làm; chia sẻ, bình luận về những câu chuyện cảnh giác,... Người sử dụng trang Zalo có thể thoải mái trao đổi mà không phải đi lại và tốn chi phí.
Mô hình Zalo tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm rất phù hợp trong thời đại 4.0. Đây sẽ là “kênh” nhanh nhất, thuận tiện nhất, sức lan tỏa mạnh trong Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Ai cũng có thể sử dụng mạng xã hội Zalo để báo tin, tố giác tội phạm./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết