Tiếng Việt | English

28/01/2021 - 09:47

Sức sống mứt truyền thống

Hiện nay, thị trường có nhiều loại bánh, mứt với mẫu mã, giá cả đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong những ngày xuân về, tết đến. Tuy nhiên, mứt truyền thống vẫn có sức sống riêng, bền bỉ theo thời gian, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.

Mứt truyền thống ở chùa Pháp Vân luôn được nhiều phật tử ưa chuộng

Mứt truyền thống ở chùa Pháp Vân luôn được nhiều phật tử ưa chuộng

Mỗi khi nghĩ đến hương vị ngày tết, người Việt liền nghĩ đến bánh, mứt truyền thống. Đây là một nét đẹp văn hóa ẩm thực của Tết Việt, bởi bánh, mứt tết không chỉ là món ăn chơi mà còn mang ý nghĩa tốt lành cho một năm mới mọi sự đều viên mãn và may mắn. Hơn hết, bánh, mứt đối với nhiều gia đình là cách dẫn dắt câu chuyện và chia sẻ những ngọt bùi đầu năm mới.

Long An nói riêng, miền Tây nói chung, người dân rất sáng tạo trong cách làm các loại mứt truyền thống. Theo đó, bất kỳ loại trái cây, củ, quả nào, nếu ăn được thì người dân đều làm được các loại mứt đậm đà hương vị quê hương. Đó có thể là mứt cóc, ổi, xoài, me, mãng cầu,... Đại đức Thích Huệ Lực (Trụ trì chùa Pháp Vân, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Hiện nay, chùa làm 13 loại mứt truyền thống. Các loại mứt ở đây đều làm từ sản vật địa phương, không hóa chất, lên màu tự nhiên, được nhiều phật tử ưa chuộng, với giá bán thấp hơn ngoài thị trường”.

Được biết, đây là năm thứ 5 chùa Pháp Vân làm mứt truyền thống bán cho phật tử gần xa nhằm gây quỹ đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương. Vì vậy, cứ vào tháng 10 Âm lịch, nhiều phật tử đến chùa hỗ trợ làm các loại mứt có thể để được lâu như mứt me, gừng,... Còn giữa tháng 11 Âm lịch, không khí làm mứt truyền thống ở chùa mới bắt đầu sôi nổi, do đó chỉ cần đến trước cổng chùa đã ngửi được mùi thơm của mứt quyện vào từng cơn gió làm lòng người cảm thấy mùa xuân đang đến thật gần.

Năm nay, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng số lượng phật tử đặt các loại mứt tại chùa Pháp Vân không ngừng tăng lên. Điều này càng khẳng định mứt truyền thống luôn có sức sống riêng, bền bỉ theo thời gian mà không có loại bánh, mứt công nghiệp, nhập khẩu nào đủ sức thay thế. Bà Đoàn Thị Chi, ngụ xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Thời điểm này, chùa huy động gần 10 phật tử tham gia làm mứt mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Riêng tôi cũng tranh thủ thời gian rảnh đến phụ chùa làm mứt. Tôi chỉ làm các công đoạn đơn giản, còn các công đoạn khó như sên đường phải nhờ người có kinh nghiệm lâu năm. Thấy các phật tử lớn tuổi làm mứt, tôi lại nhớ về hình ảnh mẹ mình ngày xưa, cứ đến tết là chuẩn bị nguyên liệu làm mứt truyền thống, chứ không phải như bây giờ có tiền ra chợ là mua được hết. Tôi đến đây một phần làm từ thiện, một phần học nghề làm mứt truyền thống để truyền lại cho con, cháu trong gia đình”.

Đến gần Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Ngọc Hậu có thêm thu nhập từ làm mứt dừa truyền thống

Đến gần Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Ngọc Hậu có thêm thu nhập từ làm mứt dừa truyền thống

Tại chợ phường 2, thị xã Kiến Tường, bà Nguyễn Thị Ngọc Hậu cũng có thêm thu nhập từ nghề làm mứt dừa. Thông thường, bà chỉ bán dừa tươi nhưng đến gần Tết Nguyên đán, bà lại tranh thủ thời gian làm thêm mứt dừa truyền thống. Đây là loại mứt ưa chuộng nhất trong mâm cỗ của người Việt từ xưa đến nay. Bà Hậu cho biết: “Ở đây, tôi chỉ bán mứt dừa nhưng có nhiều hương khác nhau như hương dứa, lá cẩm,... Cứ đến tết là có nhiều mối quen đến đặt hàng, trong đó có cả ở Hà Nội. Với tôi, làm mứt dừa không chỉ có thu nhập mà còn là nghề truyền thống của gia đình mỗi khi xuân về, tết đến”.

Có thể khẳng định, trong ngày Tết Cổ truyền của dân tộc, trên mâm cỗ không thể thiếu các loại mứt truyền thống, bởi đây là hương vị góp phần làm nên nét đặc trưng của Tết Việt. Điều này càng khẳng định sức sống mãnh liệt của các loại mứt truyền thống trong cộng đồng, dân tộc./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết