Tiếng Việt | English

17/06/2021 - 15:51

Tác nghiệp nơi biển, đảo quê hương

Trong cuộc đời mỗi người làm báo, ai cũng có cho riêng mình những trải nghiệm với nghề. Với tôi và những phóng viên (PV) được tác nghiệp nơi biển, đảo quê hương, chuyến đi đó sẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất vì được đặt chân lên một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển khơi mênh mông.

Cuối tháng 4/2019, tôi nhận được cuộc điện thoại từ cơ quan thông báo sẽ được cùng Đoàn cán bộ tỉnh Long An đi thăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang làm nhiệm vụ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Khi biết tin, cảm xúc dâng trào trong tôi. Đó vừa là niềm vinh dự xen lẫn tự hào khi chuẩn bị được đặt chân lên các đảo chìm, đảo nổi trên vùng biển Trường Sa nhưng cũng có chút lo lắng bởi tôi chưa từng đi biển dài ngày, liệu chừng có quen với sóng biển? 

Tác giả cùng phóng viên Võ Văn Huy, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa

Đúng 8 giờ ngày 06/5/2019, đoàn chúng tôi gần 300 người chào tạm biệt đất liền để lên đường đến với Trường Sa. Giây phút ấy thực sự xúc động xen cả sự hồi hộp bởi từ trước đến giờ, tôi luôn mơ ước được một lần đến Trường Sa để hòa mình vào nhịp sống của những người lính hải quân, được tận mắt nhìn thấy vùng trời, vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 2 ngày, 2 đêm trên con tàu KN290, chúng tôi mới biết thế nào là lắc lư theo từng nhịp sóng, thấy được biển khơi mênh mông đang ở phía trước.

Sáng sớm ngày 08/5/2019, đoàn có mặt tại vùng biển Trường Sa, lần lượt đến thăm, động viên CBCS và người dân trên các đảo: Len Đao, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Núi Le B, Thuyền Chài B, An Bang, Đá Lát, Trường Sa và Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên. Trong suốt 10 ngày của cuộc hải trình, đối với các thành viên trong đoàn chúng tôi, đặc biệt là những người làm báo, dù đến từ nhiều vùng, miền khác nhau nhưng điểm chung của chúng tôi chính là đam mê nghề báo. Cũng vì thế, lần đi Trường Sa trở thành dịp sum vầy, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm làm nghề giữa chúng tôi.

Tác nghiệp trên vùng biển, đảo tuy có khó khăn, vất vả nhưng cũng thật vinh dự, tự hào đối với mỗi người làm báo

Tác nghiệp ở Trường Sa, tôi và mọi người đều mang theo hành lý gọn gàng, bởi giữa biển khơi hoàn toàn khác biệt với đất liền, nơi có sóng, có gió và nhiều người luôn trong tình trạng say sóng. Và chỉ cần nghe thông báo tàu sắp thả neo vào đảo là y như rằng sẽ nhanh chóng ôm máy quay, máy ảnh, mặc áo phao để chuẩn bị xuống xuồng lên đảo. Việc di chuyển từ tàu xuống xuồng rồi lên đảo và từ đảo ra xuồng, lên tàu rất vất vả đối với mỗi PV.

Những hôm sóng to, độ chênh giữa mạn tàu, ca nô và cầu tàu liên tục dao động với khoảng cách lớn khiến việc lên, xuống xuồng và tàu rất nguy hiểm, chỉ cần bước chậm hoặc không dứt khoát đều sẽ bị ngã và có thể bị thương. Tôi nhớ nhất, chiều ngày 10/5/2019, khi vào thăm đảo An Bang. Dù trước đó, mỗi thành viên chúng tôi đều được thông báo sẽ chỉ có số ít người được vào đảo và ưu tiên cho lực lượng PV. 3 lần hạ xuồng vào đảo, xuồng đều gặp sự cố bởi sóng quá lớn. May mắn khi tôi là 1 trong 7 PV được cùng đoàn vào thăm đảo.

Gần 40 CBCS đảo An Bang với 2 sợi dây thừng lớn mới có thể giữ được chiếc xuồng nhỏ khỏi sóng đánh để bảo đảm an toàn cho đoàn. 2 hàng ghế dài cùng dòng chữ chào mừng được kê ngay dưới tán cây bàng vuông để giao lưu cùng đoàn công tác cũng chẳng thể diễn ra do CBCS trên đảo còn đang vật lộn với sóng gió để bảo đảm an toàn cho những chuyến hàng vào đảo.

Nếu như Trường Sa là kỷ niệm đặc biệt thì chuyến công tác thăm, chúc tết CBCS và người dân trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2021 đối với tôi lại là trải nghiệm đáng nhớ. Những con dốc nghiêng 450 chạy dài hơn 3km xuyên qua cánh rừng nguyên sinh trên đảo Hòn Khoai; leo núi qua những vách dựng đứng trên đảo Hòn với lỉnh kỉnh nào là máy ảnh, máy tính để đến thăm các trạm rađa của Tiểu đoàn 551, lực lượng Bộ đội Biên phòng hay hơn 20 PV chúng tôi nằm ngủ ngoài boong tàu trong suốt hành trình dưới tấm bạt phủ thấu cái lạnh của những ngày giáp tết sẽ mãi là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo.

Tác nghiệp trên đảo Trường Sa là một kỷ niệm đặc biệt

Đổi lại, trong những chuyến đi, chúng tôi mắt thấy, tai nghe và đặc biệt xúc động trước những câu chuyện được kể từ chính những người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là trận chiến anh hùng của 64 chiến sĩ Hải quân trong trận hải chiến Gạc Ma trên vùng biển Len Đao - Gạc Ma - Cô Lin vào ngày 14/3/1988. Dù chiến đấu không cân sức, các anh - những chiến sĩ Hải quân không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.

Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”.

Đó là Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo, chỉ trong gang tấc, anh đã bình tĩnh, mưu trí Chỉ huy tàu HQ-505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm. Đó là lúc Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần gồng mình chống chọi với cơn bão số 10 vào ngày 04/12/1990, những cơn sóng dữ quật đổ nhà giàn, cuốn theo 8 CBCS xuống biển và 3 đồng chí đã mãi mãi không trở về.

Là tấm gương của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng - Trạm phó Chính trị Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. Giữa giây phút sinh tử, anh đã nhường lại chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sĩ yếu nhất để rồi ra đi thanh thản vào lòng biển cả. Đó là hành động cao đẹp của liệt sĩ, Trạm trưởng, Đại úy Vũ Quang Chương và 8 CBCS Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên trước cơn bão số 8 năm 1998, mặc dù nhà giàn nghiêng lắc và rung chấn dữ dội nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, chấp nhận hy sinh để giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy.

Các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào biển cả để giấc ngủ đồng đội được bình yên, chủ quyền biển, đảo Tổ quốc luôn được khẳng định, giữ vững, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” mãi mãi bất tử trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Đó là câu chuyện của Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, người viết 8 trang thư gửi vợ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ chốt giữ đảo Tiên Nữ và Núi Le vào tháng 02/1988. Hay câu chuyện đẹp của thầy giáo, Đại úy Trần Đình Phục hơn 10 năm qua mang con chữ cho trẻ em trên đảo Hòn Chuối,… Tất cả đã xây dựng nên những câu chuyện đẹp, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân./.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết