Tiếng Việt | English

02/08/2018 - 08:46

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Tai nạn lao động - nỗi đau còn đó: Kỳ cuối -Trách nhiệm không của riêng ai

Tai nạn lao động xảy ra, để lại nhiều hệ lụy đau lòng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, người sử dụng lao động và người lao động phải nâng cao nhận thức nhằm hạn chế tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.

Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động

Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động

Tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra chủ yếu do người lao động (LĐ) còn chủ quan, lơ là; người sử dụng LĐ cố ý không chấp hành Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ),...

Còn chủ quan

Chủ quan trong LĐ là nguyên nhân hàng đầu gây TNLĐ. Nhận thức cũng như ý thức, trách nhiệm của chủ sử dụng LĐ trong việc tuyên truyền, chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ chưa cao. Mặt khác, người LĐ biết nguy hiểm nhưng vẫn chủ quan, không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn LĐ dù được trang bị đủ các phương tiện bảo hộ.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn - nhân viên Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ - Thương mại - Xây dựng Đạt Quang Minh (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức), chia sẻ: “Nhiều công nhân còn ngại sử dụng các phương tiện bảo hộ vì cảm thấy bất tiện. Chủ sử dụng LĐ lại chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên, chưa quan tâm hướng dẫn người LĐ thực hiện những quy định của Nhà nước về bảo đảm ATVSLĐ nên dẫn đến nhiều trường hợp TNLĐ đáng tiếc xảy ra”.

Từ thực trạng này, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSLĐ tỉnh tăng cường kiểm tra, nhất là trong Tháng hành động về ATVSLĐ (từ ngày 30-5 đến 08-6-2018).

Qua kết quả kiểm tra tại 11 doanh nghiệp, có 4/11 doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về quản lý công tác ATVSLĐ như bố trí cán bộ an toàn, y tế, tự kiểm tra về ATVSLĐ, phân định trách nhiệm quản lý về ATVSLĐ,... theo quy định của Luật ATVSLĐ. Có 5/11 doanh nghiệp huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ cho người LĐ; 4/11 doanh nghiệp xây dựng và niêm yết quy trình, xử lý sự cố đối với các máy, thiết bị. Có 2/11 doanh nghiệp thực hiện đánh giá rủi ro tại nơi làm việc; thành lập và thực hiện huấn luyện sơ cấp cứu cho đội sơ cấp cứu. Có 3/11 doanh nghiệp thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người LĐ, với 517 người được khám. Đa số doanh nghiệp đều chưa thực hiện đầy đủ báo cáo định kỳ về TNLĐ, công tác ATVSLĐ và y tế với cơ quan quản lý nhà nước; chưa thống kê cụ thể LĐ làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn LĐ.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An - Hoa Thanh Niên nhận định: “Ngoài nguyên nhân chủ quan của người LĐ, người sử dụng LĐ còn thiếu quan tâm, đầu tư cải thiện điều kiện LĐ; đưa vào sử dụng máy, thiết bị không bảo đảm an toàn; không huấn luyện ATVSLĐ cho người LĐ; không thực hiện đúng nội quy quy trình an toàn LĐ; bố trí LĐ làm việc không phù hợp; thiếu kiểm tra, nhắc nhở người LĐ tuân thủ các quy định về ATVSLĐ. Một số chủ sử dụng LĐ chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ LĐ nên xảy ra những vụ TNLĐ thương tâm”.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo ông Hoa Thanh Niên, trong xu thế các ngành công nghiệp, xây dựng phát triển, TNLĐ vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra. Vì vậy, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ATVSLĐ, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ xảy ra.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSLĐ tỉnh tiếp tục có kế hoạch phúc tra đối với từng doanh nghiệp và xử lý nghiêm những trường hợp không khắc phục sai phạm. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và các tổ chức, cá nhân, nhất là người sử dụng LĐ và người LĐ về ATVSLĐ.

Anh Lê Văn Tạo (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) cho rằng: “Để giảm thiểu TNLĐ, người LĐ tuyệt đối không được chủ quan khi làm việc. Chủ sử dụng LĐ cần tuân thủ các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ và thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ cho người LĐ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác phòng ngừa TNLĐ”.

Người lao động cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động trong quá trình làm việc nhằm hạn chế tai nạn lao động xảy ra

Người lao động cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động trong quá trình làm việc nhằm hạn chế tai nạn lao động xảy ra

Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm sau khi có sự kiểm tra, nhắc nhở.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Trụ - Võ Tấn Châu cho biết: “Xác định ATVSLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, huyện chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, các nguy cơ xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; phối hợp cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các chủ sử dụng LĐ nâng cao ý thức pháp luật, trang bị đầy đủ bảo hộ LĐ cho người LĐ. Tổ kiểm tra liên ngành huyện tăng cường kiểm tra và nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về ATVSLĐ”.

Giảm thiểu TNLĐ xảy ra không phải trách nhiệm của riêng cá nhân, đơn vị nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết