Tiếng Việt | English

29/07/2020 - 11:12

Tân An và chặng đường lên đô thị loại II

Khép lại hành trình hơn 4 năm nỗ lực, nhiệm kỳ qua, TP.Tân An, tỉnh Long An có nhiều dấu ấn đáng tự hào. Nổi bật trong giai đoạn 2015-2020 phải kể đến Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển TP.Tân An đạt đô thị loại II trước năm 2020.

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình trao quyết định công nhận đô thị loại II cho TP.Tân An

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình trao quyết định công nhận đô thị loại II cho TP.Tân An

Vượt khó

Ngày 05/9/2019, TP.Tân An được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh tại Quyết định 1140/QĐ-TTg trong niềm vui, phấn khởi của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chào mừng một thập kỷ thành lập thành phố. Đây là động lực to lớn để những người lãnh đạo có thêm nhiệt huyết, nhân dân thành phố có điều kiện tiếp cận nhiều tiện ích, thụ hưởng thành quả từ những công trình hạ tầng đô thị, công trình phúc lợi và an sinh xã hội mang lại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Năm 2007, thị xã Tân An được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết (NQ) về việc thành lập TP.Tân An trực thuộc tỉnh. Trải qua gần 12 năm xây dựng và phát triển, TP.Tân An chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại III và hướng đến tiêu chuẩn đô thị loại II. Hiện nay, thành phố có 56/59 chỉ tiêu đã đạt chuẩn đô thị loại II.

Còn nhớ cách đây khoảng 5 năm, ĐH Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, với sự đồng lòng cùng tư duy sáng tạo, nhạy bén, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy khóa X đã đề ra Chương trình đột phá mang tầm chiến lược để xây dựng và phát triển TP.Tân An. Những ngày đầu thực hiện NQ, có không ít cán bộ, đảng viên và người dân lo lắng khi khối lượng công việc nhiều, những con số phải đạt theo tiêu chí đô thị loại II cũng như nguồn vốn huy động để thực hiện khá lớn trong khi tiềm lực của thành phố có hạn.

Nhưng rồi, với trách nhiệm là người đứng đầu, bản thân động viên, nhắc nhở, hoạch định từng phần việc phải làm và phân công từng đồng chí đứng đầu phải gương mẫu, tập trung thực hiện từng tiêu chí với phương châm “phần việc nào dễ làm trước, khó khăn báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để có hướng tháo gỡ cũng như trình bày với tỉnh để giải quyết kịp thời”.

Quang cảnh TP Tân An

Quang cảnh TP.Tân An

Những dấu ấn nổi bật

Với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và nỗ lực của toàn Đảng bộ, hạ tầng kinh tế của thành phố được chú trọng đầu tư. Hệ thống giao thông, cấp điện, chiếu sáng, bưu chính - viễn thông, cấp thoát nước, thủy lợi được tập trung xây dựng, phát triển, từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Hạ tầng xã hội được phát triển đồng bộ. Các công trình giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, công viên, cây xanh được quan tâm đầu tư. Bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới, khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Vài năm trở lại đây, Tân An “khoe dáng” đô thị tiềm năng. Hàng loạt công trình giao thông, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu đô thị mới,... được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng. Đó là công trình mở rộng Quốc lộ (QL) 1, QL62 từ đường Hùng Vương đến đường cao tốc, đường Lê Hữu Nghĩa, đường Nguyễn Văn Tiếp, đường tránh QL1, đường chui cầu Tân An, đường Hùng Vương (nối dài) đoạn phường 2 - phường 6, kè sông Vàm Cỏ Tây, kè kênh Vành đai, cầu Đúc, cầu Tân An (phường 2 - phường 6), Khu dân cư Lợi Bình Nhơn, công trình nhà ở cho người có thu nhập thấp tại phường 3, phường 5;...

Đặc biệt, thời gian qua, nhờ làm tốt công tác khai thác, phát triển quỹ đất, nhiều khu dân cư, khu đô thị mới dần hình thành. Điển hình là Khu dân cư Trung tâm mở rộng phường 6 được đầu tư xây dựng, đóng vai trò tăng trưởng cho thành phố. Với trục giao thông xuyên tâm, QL1, QL62, nhất là tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tạo thêm điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển. 2 nhánh sông chính là Bảo Định và Vàm Cỏ Tây được thành phố khai thác tốt, bước đầu tạo trục cảnh quan đặc trưng cho vùng sông nước.

Nhiệm kỳ 2015-2020, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền, các công trình trọng điểm như Công viên phường 2 (giai đoạn 1) đã hoàn thành, công trình trọng điểm Đại hội X Đảng bộ tỉnh - đường Vành đai thành phố sau nhiều năm “giậm chân tại chỗ” đã khởi công,…

Vững tin trong nhiệm kỳ mới

Trong quá trình thực hiện chương trình đột phá, thành phố cũng gặp không ít khó khăn. Đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng khá nhưng còn ở mức thấp trong tổng cơ cấu kinh tế; thực hiện phát triển vùng rau ứng dụng công nghệ cao còn gặp khó. Kết quả huy động nguồn vốn còn thấp, việc cân đối, huy động vốn để đầu tư các công trình trên địa bàn còn khó khăn, nhất là đối với các công trình, dự án có vốn đầu tư lớn: Đường Hùng Vương (nối dài) đoạn phường 3 - xã Bình Tâm, dự án Bến xe khách và Khu thương mại phường 4, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố. Việc xây dựng các công trình dân dụng tại các dự án khu dân cư đô thị, cụm công nghiệp tiến độ chậm,…

Thành phố còn 3 chỉ tiêu chưa đạt: Diện tích sàn nhà bình quân cho khu vực nội thị; tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thành so với đất xây dựng; tỷ lệ tăng dân số hàng năm. Bên cạnh đó, còn một vài tiêu chí tuy đạt nhưng còn thấp theo tiêu chí đề ra. Đó là thu nhập bình quân đầu người so với cả nước; tỷ lệ phục vụ vận tải hành khách công cộng; mật độ đường cống thoát nước chính khu vực nội thành; tỷ lệ các khu vực ngập úng có giải pháp phòng, chống
giảm ngập;…

Công tác chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự và mỹ quan đô thị quản lý theo quy hoạch còn hạn chế. Công tác thanh, kiểm tra xử lý các vi phạm về quản lý đất đai, quản lý đô thị có lúc, có nơi còn chưa nghiêm;… Tuy nhiên, phải nói rằng, trong điều kiện hết sức khó khăn về nguồn vốn, đạt được đô thị loại II trước năm 2020 là kết quả rất đáng tự hào.

Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa X vui mừng khi chứng kiến sự thay đổi rõ nét của đô thị mới bên sông Vàm Cỏ Tây. Trong những năm tiếp theo, với sức mạnh tinh thần đoàn kết, ý chí, nghị lực, tin tưởng rằng, nhiệm kỳ mới, TP.Tân An sẽ phát triển hơn nữa trong hành trình hướng đến xây dựng đô thị loại I.

Hơn 4 năm qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình lên đến trên 5.800 tỉ đồng, đạt 112,8% kế hoạch, bao gồm: Ngân sách Trung ương, tỉnh, thành phố và huy động trong nhân dân, doanh nghiệp. Nguồn vốn này được phân bổ để xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông, thoát nước, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, góp phần tạo động lực phát triển KT-XH, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân./.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tân An - Trần Kim Lân

Chia sẻ bài viết