Tiếng Việt | English

29/08/2016 - 09:38

Tận dụng tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười trong nuôi trồng thủy sản

Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) thuộc Long An chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh, là vùng đất trũng bị ngập nước theo mùa. Trước đây, đan xen trong tâm trạng háo hức đón lũ của cư dân ĐTM là những âu lo về tác hại của lũ đến nhà cửa, ruộng vườn, kết cấu hạ tầng,... Thế nhưng, người dân nơi đây tìm được phương thức “sống chung với lũ” một cách thanh bình. Lũ về bồi đắp phù sa, tháo chua, rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng.

Đặc biệt, mùa lũ là mùa mưu sinh của đa số người dân lúc nông nhàn. Nông dân rộn ràng xuồng, lưới, giăng câu, đánh cá, nuôi trồng thủy sản,... tạo ra nguồn lợi thủy sản rất lớn, nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân trong vùng và các thành phố lớn. Với nhiều người, lũ là “cần câu cơm”, là nguồn sống của cả gia đình.

Thế nhưng mấy năm gần đây, lũ cứ nhỏ dần, nhiều người trông chờ, buồn bã vì lũ không về. Theo đó, cánh đồng bớt màu mỡ vì thiếu phù sa bồi đắp, lượng thủy sản khai thác trong tự nhiên ngày càng giảm. Để thích ứng với sự biến đổi ấy, chính quyền và người dân nơi đây đã và đang có kế hoạch phát triển mạnh mẽ nghề nuôi trồng thủy sản. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: Phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa ở vùng ĐTM theo hướng kiểm soát và bảo vệ môi trường sinh thái. Nghiên cứu xây dựng các mô hình tổ chức nuôi trồng phù hợp như: Câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ kinh tế, trang trại,... nhằm tăng thu nhập và thúc đẩy sản xuất hàng hóa; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy hải sản.

Từ định hướng này cùng với chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ là động lực quan trọng để vùng ĐTM phát huy thế mạnh là vựa lúa, vựa thủy sản lớn của tỉnh. Nhằm thực hiện chủ trương đó, HĐND tỉnh cũng ban hành nghị quyết về việc đầu tư dự án Trung tâm Công nghệ sinh học vùng ĐTM tại Long An, trong đó có sự hỗ trợ của Trung ương. Khi dự án này đi vào hoạt động, nông nghiệp ở ĐTM sẽ khởi sắc, nhất là nuôi trồng thủy sản có nhiều điều kiện để phát huy tiềm năng, lợi thế.

Sự biến đổi khí hậu và tác động của con người đã và đang ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên của ĐTM. Do vậy, trong phát triển nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng đòi hỏi các ngành chức năng và đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật cần nghiên cứu kỹ, có bước đi, biện pháp hợp lý để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng ĐTM. Với người dân vùng này phải “liên kết 4 nhà” trong nuôi trồng thủy sản mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Hy vọng rằng, cùng với cây lúa, con cá, con tôm sẽ là vật nuôi mang lại cuộc sống no ấm cho người dân ĐTM!

Kim Quy

Chia sẻ bài viết