Tiếng Việt | English

13/02/2021 - 13:00

Tân Hưng ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Đối với huyện Tân Hưng, tỉnh Long An sau gần 4 năm triển khai, thực hiện ƯDCNC trên cây lúa, thu nhập, đời sống của nông dân được nâng lên.

Đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp

Đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp

Giảm chi phí, tăng thu nhập

Dù công việc đồng áng cuối năm khá bận rộn nhưng ông Võ Văn Cửu (xã Hưng Thạnh) cũng dành chút thời gian tiếp chúng tôi. Ông Cửu kể, trước đây, sản xuất theo truyền thống, năng suất thấp, thường xuyên bị thương lái ép giá khi thu hoạch. Từ khi chính quyền địa phương, các ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất ƯDCNC trên cây lúa, năng suất ổn định hơn trước. “Thấy được hiệu quả khi tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, gia đình tôi mạnh dạn áp dụng trên toàn bộ diện tích 10ha” - ông Cửu nói. 

“Đây là vụ thứ 3 liên tiếp gia đình tôi áp dụng quy trình sản xuất ƯDCNC. Khi tham gia mô hình, nông dân được áp dụng kỹ thuật tiên tiến (ứng dụng máy cấy, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, cơ giới hóa trong thu hoạch,...) giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác. Với 5ha lúa ƯDCNC, hàng năm, tôi thu lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình có điều kiện mua sắm vật dụng trong nhà, nuôi con học hành đàng hoàng” - anh Lý Thái Lộc, ngụ xã Hưng Thạnh, chia sẻ.

Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường. Các mô hình điểm, mô hình nhân rộng, các diện tích nông dân tự nhân rộng đều giảm lượng giống (tiết kiệm từ 0,93-1,17 triệu đồng/ha/vụ), giảm phân bón (tiết kiệm 0,8 triệu đồng/ha/vụ), giảm thuốc bảo vệ thực vật (tiết kiệm 2,9 triệu đồng/ha/vụ). Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên cho biết: Đến nay, toàn huyện xây dựng được 9 mô hình điểm (tỉnh 6 mô hình, huyện 3 mô hình, diện tích 450ha), 6 mô hình nhân rộng (diện tích 420ha) và nông dân tự triển khai, nhân rộng với tổng diện tích 4.558ha ƯDCNC, có 1.055 hộ dân tham gia, đạt 101,3% kế hoạch. Để triển khai, thực hiện ƯDCNC trên cây lúa mang lại hiệu quả, thời gian qua, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến người dân. Ngoài ra, huyện còn đầu tư nhiều công trình nạo vét kênh, mương, phát triển hệ thống bơm điện, xây dựng đê bao, chú trọng liên kết sản xuất,...

Giai đoạn 2015-2020, huyện đầu tư xây dựng 6 trạm bơm điện, 32 công trình thủy lợi, hiện có gần 34.000ha (chiếm 91% diện tích canh tác) có hệ thống đê bao lửng chủ động gieo sạ theo lịch thời vụ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại lúa khi lũ về sớm; gần 20.000ha có hệ thống bơm điện (chiếm 52,9% diện tích canh tác), nhằm giảm chi phí trong sản xuất. Toàn huyện có 11 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động, từng bước phát huy vai trò trong liên kết sản xuất và 73 tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực tưới, tiêu, phục vụ sản xuất,... 

Hướng đi bền vững

Sản xuất ƯDCNC trên cây lúa dần làm thay đổi tập quán sản xuất, mang lại hiệu quả bước đầu, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, tạo ra nông sản sạch, bảo đảm chất lượng. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Hưng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương, đề ra Chương trình đột phá Nâng chất, mở rộng diện tích thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện lũy kế đến năm 2025 là 15.900ha.

Đầu tư kết cấu  hạ tầng phục vụ  sản xuất nông nghiệp

Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, để thực hiện bảo đảm chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, huyện tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình của tỉnh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng; tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập trung cơ giới hóa đồng bộ các khâu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản. 

“Trước mắt, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác của người dân để phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới; tích cực hướng dẫn và hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký thương hiệu mặt hàng nông sản; giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương thông qua các hội chợ, triển lãm. Đồng thời, huyện đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp; mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm,…” - Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Lê Văn Hùng cho biết. 

Với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tân Hưng kỳ vọng ƯDCNC trên cây lúa sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển bền vững nền nông nghiệp của huyện nhà, mang đến cho người dân biên giới những mùa xuân ấm no, hạnh phúc/.

Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác của người dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới; tích cực hướng dẫn và hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký thương hiệu mặt hàng nông sản; giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương thông qua các hội chợ, triển lãm,...”.

Bí thư Huyện ủy - Lê Văn Hùng

Kiên Cường

Chia sẻ bài viết