Tiếng Việt | English

11/07/2020 - 16:37

Tân Thạnh: Hiệu quả xây dựng vùng lúa chất lượng cao

Nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quy trình canh tác, hệ thống đường giao thông, đê bao lửng, trạm bơm điện được đầu tư xây dựng, chất lượng cuộc sống nhân dân ngày càng được nâng lên,... là hiệu quả của việc thực hiện Chương trình đột phá về xây dựng vùng lúa chất lượng cao của huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

Về đích chương trình đột phá

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 xác định Chương trình đột phá của đại hội là xây dựng vùng lúa CLC. Theo đó, huyện chọn 5 xã quy hoạch vùng lúa CLC với 10.000ha, gồm: Hậu Thạnh Tây, Hậu Thạnh Đông, Bắc Hòa, Nhơn Hòa Lập và Tân Lập, trong đó có 4.000ha lúa CLC, ứng dụng công nghệ cao được Tỉnh ủy giao.

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: “Năm 2016, Huyện ủy ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về việc tiếp tục xây dựng vùng lúa CLC gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại. Trong đó, huyện tập trung nguồn lực đầu tư nạo vét, đào mới các công trình thủy lợi để hình thành các đê bao lửng cho vùng sản xuất CLC, ứng dụng công nghệ cao như dự án VnSAT đầu tư 25 danh mục công trình, với nguồn vốn khoảng 95 tỉ đồng và 40 danh mục công trình do huyện đầu tư, với nguồn vốn trên 15 tỉ đồng. Từ năm 2018-2019, tỉnh đầu tư, nâng cấp và xây dựng 3 công trình điện, với tổng kinh phí trên 5,8 tỉ đồng góp phần xây dựng trạm bơm điện. Đến nay, hầu hết diện tích trong vùng quy hoạch đều có đê bao khép kín, 100% diện tích được bơm tưới chủ động”.

Việc quy hoạch vùng lúa CLC là chương trình mang tính đột phá của tỉnh nhằm thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mang tính cạnh tranh, giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững. Giờ đây, nông dân trong vùng lúa CLC đã biết áp dụng 3 trong 6 nội dung của quy trình canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” “1 phải, 6 giảm”, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, giống chất lượng cao,...

Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa Lập - Lê Phước Vẹn cho biết: “Ban đầu vận động nông dân tham gia vùng lúa CLC, ứng dụng công nghệ cao, xã gặp nhiều khó khăn do nông dân chưa hiểu mục đích, ý nghĩa và lợi ích của vùng lúa CLC. Sau thời gian thực hiện, thấy được hiệu quả vùng lúa CLC mang lại nên nông dân chủ động xin tham gia vùng lúa CLC. Nhờ vậy, chỉ tiêu xây dựng vùng lúa CLC xã đạt và vượt kế hoạch đề ra”.

Đến nay, Tân Thạnh xây dựng gần 11.000ha vùng lúa CLC, đạt gần 110% chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy đề ra, trong đó có 4.000ha lúa CLC ứng dụng công nghệ cao, đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao.

Hiện nay, Tân Thạnh có gần 11.000ha vùng lúa chất lượng cao, trong đó có 4.000ha lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao

Nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân

Điểm nổi bật trong xây dựng vùng lúa CLC ở huyện Tân Thạnh là hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình từ 3-5 triệu đồng/ha, thậm chí nhiều nông dân có lợi nhuận 7 triệu đồng/ha; đồng thời sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Trước đây, ông Trịnh Đình Thống, ngụ xã Hậu Thạnh Tây, sản xuất lúa chủ yếu theo kinh nghiệm, trong khi đó thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất. Đặc biệt, diện tích đất của ông không có đê bao khép kín nên chưa chủ động trong việc tưới tiêu, nhất là luôn phập phồng lo sợ mỗi khi mùa nước lũ tràn về. Từ khi tham gia vùng lúa CLC, ông được tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, quy trình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa đồng ruộng. Ông Thống phấn khởi nói: “Bây giờ, nông dân chúng tôi làm ruộng không còn vất vả như trước nữa, không cần phải canh nước bơm vào ruộng, sạ lúa, xịt thuốc hay bón phân cũng có máy làm thay,... Vậy mà năng suất còn tăng, thu nhập ổn định, đời sống ngày càng nâng lên”.

Trò chuyện với chúng tôi trên cánh đồng lúa, những nông dân nơi đây vui mừng thông báo: Không chỉ năng suất, lợi nhuận tăng mà việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ vùng lúa CLC còn góp phần thay đổi diện mạo quê hương, trong đó nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bêtông hóa hoặc trải đá xanh, cầu được đầu tư xây dựng khang trang,... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam rất cần 2 yếu tố là ngon và sạch, bởi người tiêu dùng trong và ngoài nước luôn hướng đến sản phẩm sạch, hữu cơ. Trong khi đó, việc canh tác, sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm sẽ làm lúa, gạo bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, tạo điều kiện cho người dân tham gia vùng lúa CLC là điều rất cần thiết, góp phần xây dựng thương hiệu lúa, gạo Tân Thạnh nói riêng, Long An nói chung, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, không bị thương lái ép giá.

Ông Lê Thanh Đông cho biết thêm: “Thành công bước đầu của chương trình tạo khí thế mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại niềm tin, lợi nhuận cho người dân địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và phù hợp với quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và có tính đến yếu tố hình thành nền nông nghiệp 4.0 trong tương lai; đẩy mạnh tuyên truyền nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật thay cho sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống; xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã; làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản,... Phấn đấu đến năm 2025, huyện đạt tổng sản lượng lương thực trên 440.000 tấn, trong đó 75% sản lượng lương thực được sản xuất trong vùng lúa CLC”.

Tin rằng, dưới bàn tay lao động cần cù của người dân và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Tân Thạnh ngày càng mở rộng được diện tích vùng lúa CLC, nhất là khẳng định được thương hiệu lúa, gạo trên quê hương mình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích