Tiếng Việt | English

23/11/2018 - 15:49

Tân Thạnh: Nguồn điện chập chờn, khó khăn trong sinh hoạt

Hàng chục hộ dân tại xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An vẫn phải sử dụng điện kế chung trong sinh hoạt nhiều năm qua. Vì vậy, tình trạng điện ở khu vực này thường xuyên bị yếu, chập chờn mà khách hàng vẫn phải trả tiền điện với giá cao.

Vẫn còn một số hộ dân sử dụng đèn bình ắc-quy để thắp sáng

Vẫn còn một số hộ dân sử dụng đèn bình ắc-quy để thắp sáng

Khoảng 5 năm trước, hàng chục hộ dân ở ấp Kênh Chà, xã Nhơn Hòa tự bỏ tiền túi để kéo điện về nhà phục vụ sinh hoạt. Mặc dù mang tiếng có điện nhưng nguồn điện không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của người dân.

Anh Đặng Chí Thanh, ngụ ấp Kênh Chà, xã Nhơn Hòa, phản ánh, hiện trong ấp có hơn 40 hộ dân (23 hộ sinh sống trên Tuyến dân cư 2000 Nam và 20 hộ cặp tuyến kênh 2000 Nam) vẫn phải sử dụng điện kế chung. Mỗi hộ đi một đường dây riêng, cột điện riêng khiến hệ thống đường dây điện trong ấp lộn xộn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn điện. Nguồn điện ở xa, sử dụng điện kế chung dẫn đến tình trạng điện áp không ổn định, thường xuyên chập chờn cũng như giá thành cao hơn so với giá điện Nhà nước quy định do hao hụt điện năng.

Còn theo chị Nguyễn Thị Bích Vân, gia đình chị cũng như hàng chục hộ dân khác tại ấp Kênh Chà, mấy năm qua vẫn phải sử dụng điện kế chung trong sinh hoạt hàng ngày. Hầu hết các hộ dân ở đây đều phải xài điện với giá cao hơn quy định (trung bình 2.500 đồng/kWh) do đường dây tự đầu tư dài, hao hụt lớn, thậm chí, có hộ phải tự kéo dây từ điện kế tổng về nhà hơn 1km. Mặt khác, chất lượng điện chiếu sáng không ổn định; vào giờ cao điểm, điện chập chờn, chủ yếu thắp sáng, còn các vật dụng khác (tivi, nồi cơm điện,...) không thể sử dụng được.

Theo quan sát của chúng tôi, do người dân tự đầu tư đường dây để kéo điện về nhà nên dây điện được câu móc chằng chịt, không an toàn, thậm chí có những dây điện được câu dẫn rất sơ sài, có đoạn chỉ cao vừa quá đầu người hoặc mắc trực tiếp vào những cây xanh ven đường, rất nguy hiểm!

Bên cạnh đó, tại khu vực này còn khoảng 10 hộ dân vẫn chưa có điện sử dụng. Theo ông Trần Văn Đoàn, ngụ ấp Kênh Chà, do nhà cách xa điện kế chung, nếu đầu tư kéo điện về nhà phải tốn vài triệu đồng, ngoài khả năng của gia đình nên ông chọn giải pháp dùng đèn bình ắc-quy để sử dụng trong gia đình. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần đến chính quyền địa phương, qua các cuộc tiếp xúc cử tri về tình trạng này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Chúng tôi mong điện lực sớm đầu tư điện khu vực này để người dân có điện sử dụng” - ông Đoàn nói.

Dây điện câu móc chằng chịt thiếu an toàn

Dây điện câu móc chằng chịt thiếu an toàn

Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa - Nguyễn Văn Phương cho biết: Tuyến dân cư 2000 Nam được đầu tư từ năm 2005, dự kiến bố trí khoảng 200 hộ dân, đến nay có khoảng 30 hộ dân vào sinh sống, khu vực này đã được đầu tư đường, nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, hiện số hộ dân ở đây phải sử dụng điện kế chung, tình trạng điện chập chờn ảnh hưởng đến đời sống. Nguyện vọng của người dân được đầu tư tuyến đường điện ở khu vực này là chính đáng. Thời gian qua, địa phương đã nhiều lần kiến nghị cấp trên kéo đường điện khu vực này nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư.

Giám đốc Điện lực Tân Thạnh - Huỳnh Văn Nguyền cho biết, thời gian qua, ngành điện đặc biệt quan tâm đến nhu cầu sử dụng điện của người dân, nhất là ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa. Đến nay, trên địa bàn huyện Tân Thạnh có trên 99,8% hộ dân sử dụng điện, tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa có điện sử dụng, chúng tôi đã khảo sát và có kế hoạch đầu tư thực hiện. Riêng đối với công trình này, dự kiến thực hiện trong năm 2019, với nguồn vốn hơn 2,2 tỉ đồng. Riêng đối với người dân kéo dây sau điện kế mất an toàn, Điện lực Tân Thạnh sẽ phối hợp UBND xã, Phòng Kinh tế Hạ tầng kiểm tra và hướng dẫn, tư vấn các hộ dân tự khắc phục, bảo đảm an toàn lưới điện. Ngoài ra, khách hàng sử dụng điện có nghĩa vụ bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện./.

Kiên Cường

Chia sẻ bài viết