Tiếng Việt | English

08/05/2019 - 20:50

Tân Thạnh: Nhiều khó khăn trong xây dựng trạm bơm điện

Thời gian qua, việc xây dựng trạm bơm điện (TBĐ) ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An góp phần giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng TBĐ ở huyện còn nhiều khó khăn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết: “Hiện nay, huyện xây dựng được 32 TBĐ, với diện tích 9.280ha. Khi tham gia TBĐ, nông dân hưởng được rất nhiều lợi ích như chủ động được lịch gieo sạ để tránh sâu, bệnh, né rầy, khống chế dịch hại, đồng thời tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên đồng ruộng để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng TBĐ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là việc nhiều người trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản xen canh dẫn đến mâu thuẫn giữa nông dân với TBĐ”.

Hiện nay, huyện Tân Thạnh gặp rất nhiều khó khăn trong  xây dựng trạm bơm điện

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn này là những hộ trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản xen canh chỉ trả phí dịch vụ cho TBĐ 50%/tổng số diện tích, thậm chí có nhiều hộ không trả. Ngoài ra, một số nông dân trồng lúa còn phản ánh các TBĐ bơm nước không bảo đảm lượng nước tưới tiêu làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất lúa; trong khi đó, nếu TBĐ bơm nước nhiều sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản xen canh. Từ những điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hồi vốn của chủ đầu tư xây dựng TBĐ, đồng thời tạo tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư xây dựng mới TBĐ. 

Ông Phạm Văn Bia, ngụ xã Tân Lập, cho biết: “Gia đình tôi có gần 1ha đất nông nghiệp. Việc nhiều người chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả hoặc nuôi cá ảnh hưởng rất lớn đến những hộ trồng lúa. Cụ thể như những nông dân trồng lúa không được xả lũ, ngâm đất, lượng nước tưới tiêu không bảo đảm, bởi nước nhiều sẽ làm chết các loại cây ăn quả. Ngoài ra, tình trạng chuột cắn phá lúa cũng làm ảnh hưởng đến năng suất rất nhiều. Trong khi đó, chúng tôi phải trả phí dịch vụ bơm nước cho các chủ TBĐ”.

Cánh đồng ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình đang rất cần đầu tư xây dựng trạm bơm điện nhưng đến nay vẫn còn 4 hộ chưa đồng ý tham gia

Cánh đồng ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình đang rất cần đầu tư xây dựng trạm bơm điện nhưng đến nay vẫn còn 4 hộ chưa đồng ý tham gia

Một nguyên nhân khác gây khó khăn trong việc xây dựng TBĐ là chưa nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của một số nông dân. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kiến Bình - Dương Hoài Ân nói: “Hợp tác xã dự định đầu tư xây dựng TBĐ ở ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình, với tổng diện tích 150ha. Tuy nhiên, đến nay, mới có trên 50 hộ đồng ý tham gia, còn 4 hộ chưa đồng ý, nên chưa xây dựng được TBĐ”. Được biết, 150ha thuộc ấp Cá Tôm là “trung tâm” của dịch bệnh. Và đỉnh điểm là vụ Đông Xuân 2017-2018, diện tích này bị muỗi hành gây hại, làm năng suất lúa giảm còn khoảng 40%, thậm chí có nhiều hộ mất trắng. Nguyên nhân do 150ha này gieo sạ rất trễ, không né được dịch bệnh, tạo điều kiện cho sâu, rầy phát triển. Vì thế, việc xây dựng TBĐ rất cần thiết.

Trước những khó khăn trên, ngành nông nghiệp huyện đưa ra nhiều giải pháp khắc phục: Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng TBĐ; mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân có năng lực tài chính đầu tư xây dựng TBĐ; vận động người dân tham gia hiến đất, góp vốn cùng chủ đầu tư nạo vét và đào mới kênh thủy lợi nội đồng nhằm đáp ứng tốt việc tưới tiêu phục vụ sản xuất; hướng dẫn các xã xây dựng TBĐ theo mô hình thành lập tổ hợp tác bơm nước với quy mô từ 50-150ha,.../.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích