Tiếng Việt | English

19/08/2020 - 12:00

Tân Trụ: Trên đường đổi mới

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Trụ (Long An) nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa KT-XH của huyện ngày càng phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Sự đổi mới từng ngày trên quê hương anh hùng được minh chứng bằng các thành quả đã đạt. Sự phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ ngày càng rõ nét.

Xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư

Việc tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng không chỉ tạo diện mạo mới cho thị trấn Tân Trụ mà còn tạo nền tảng, động lực lớn để thị trấn đẩy mạnh phát triển KT-XH, phấn đấu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện và đạt đô thị loại IV vào năm 2020. Huyện tập trung nâng cấp, mở rộng chợ Tân Trụ (chợ Bình Hòa) thành chợ trung tâm, ưu tiên bố trí vốn đối với công trình đường Nguyễn Hoàng Anh (thị trấn Tân Trụ),... góp phần xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng hoàn chỉnh. Ngoài ra, một số xã vùng ven cũng được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả.

Huyện Tân Trụ tập trung xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư (Trong ảnh: San lấp mặt bằng, khởi công xây dựng Khu công nghiệp và Khu tái định cư An Nhựt Tân)

Tân Trụ được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi, kênh, rạch rất thuận lợi cho giao thông đường thủy và là huyện duy nhất của tỉnh tiếp giáp 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Sắp tới, huyện sẽ tập trung khai thác những lợi thế từ 2 con sông này. Đầu tư nâng cấp tuyến đê bao ven sông trở thành đường giao thông chính bao quanh huyện. Ven sông Vàm Cỏ Đông sẽ tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp; ven sông Vàm Cỏ Tây sẽ phát triển khu dân cư - đô thị sinh thái, khu nghỉ dưỡng. Với lợi thế sẵn có, cùng với nguồn nhân lực dồi dào, Tân Trụ đã, đang phát huy các tiềm năng và không ngừng khai thác các lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Huyện mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến nghiên cứu để đầu tư dự án trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Tương lai không xa, Tân Trụ sẽ bứt phá trở thành huyện phát triển hài hòa trên tất cả lĩnh vực KT-XH.

Bên cạnh đó, huyện còn tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” ở Khu công nghiệp (KCN) An Nhựt Tân. Năm 2020, KCN An Nhựt Tân là một trong những dự án được UBND tỉnh đưa vào danh sách trọng điểm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Như vậy, sau hơn 10 năm chờ đợi, dự án KCN An Nhựt Tân đã được sự thống nhất giữa UBND tỉnh, UBND huyện Tân Trụ và chủ đầu tư - Công ty TNHH An Nhựt Tân Long An tổ chức tái khởi công, san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng. Trước đó, KCN An Nhựt Tân vấp phải một số khó khăn nhất định như nhà đầu tư, UBND huyện Tân Trụ và các sở, ngành chức năng liên quan vẫn chưa thực hiện xong các thủ tục pháp lý để tiếp tục triển khai hạ tầng khu tái định cư và xây dựng hạ tầng KCN. Đến nay, khu tái định cư sắp hình thành (dự kiến giao nền cho người dân trong tháng 9-2020), KCN đã san lấp được 34ha. Việc hoàn thành san lấp mặt bằng KCN An Nhựt Tân là điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp và đưa KCN đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, tháo gỡ điểm nghẽn về phát triển kinh tế cho huyện và là tiền đề để giải phóng mặt bằng 4 cụm công nghiệp cũng như kêu gọi các dự án khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch

Xác định phát triển thương mại - dịch vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy KT-XH địa phương, thời gian qua, huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ,… Trụ cột quan trọng trong phát triển KT-XH được huyện xác định là đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ, do đó, huyện đang tập trung phát huy thế mạnh này. Phố đêm Tân Trụ được xây dựng với chiều dài khoảng 200m trên Đường tỉnh 833, bố trí hơn 50 gian hàng đã chính thức đi vào hoạt động từ tối ngày 02-9-2019. Tổng kinh phí xây dựng hơn 1,4 tỉ đồng, như là một điểm nhấn, hứa hẹn tạo sức lan tỏa về tiềm năng du lịch của huyện trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn

Thời gian qua, huyện tập trung phát triển, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 832, 833, Hương lộ Cống bần, Cao Thị Mai và sắp tới là Hương lộ Huỳnh Văn Đảnh, Bình An, Thanh Phong; hệ thống giao thông nông thôn được kết nối trên toàn huyện, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, cung ứng hàng hóa lớn. Đi đôi đó, huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển trên lĩnh vực kinh tế, nhất là tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch. Huyện thu hút khá nhiều doanh nghiệp đến liên hệ xúc tiến đầu tư các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, hệ thống thương mại, dịch vụ,... Từ một huyện thuần nông, đến nay cơ cấu kinh tế ở Tân Trụ đã và đang chuyển dần sang phi nông nghiệp.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, liên kết với vùng phát triển công nghiệp, đô thị và vành đai phát triển của TP.HCM, sắp tới, khi trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang (một trong những công trình trọng điểm của tỉnh đi qua địa bàn huyện Tân Trụ) hình thành, sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho huyện ngày càng phát triển vượt bậc.

Với những lợi thế du lịch sẵn có về địa hình được bao bọc bởi 2 con sông xanh biếc Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, những hàng cau xanh mát, những đường hoa rực rỡ; các khu di tích lưu lại những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc như miễu Ông Bần Quỳ, Đám lá tối trời, đặc biệt là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Vàm Nhựt Tảo (nơi tưởng niệm vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực); những làng nghề truyền thống nổi tiếng như làm trống, đan chiếu và văn hóa ẩm thực Nam bộ phong phú, đa dạng,… Tân Trụ còn hướng đến mục tiêu phát triển du lịch sinh thái. Với định hướng đưa du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế trọng điểm, huyện đang tập trung đầu tư và kêu gọi khai thác “Du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh”.

Phát huy truyền thống anh hùng và tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững./.

Mục tiêu Đảng bộ Tân Trụ hướng đến trong nhiệm kỳ 2020-2025 là đẩy nhanh tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành hàng chủ yếu bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 (theo giá so sánh) là 7,06%, trong đó, công nghiệp - xây dựng 10,76%, thương mại - dịch vụ 10,09%, nông nghiệp, thủy sản 3,44%. Thu ngân sách bình quân hàng năm vượt 11% dự toán tỉnh giao. Tổng sản lượng lương thực bình quân 65.000 tấn/năm, trong đó 50% lúa chất lượng cao. Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (5/9 xã). Trên 95% trường đạt chuẩn quốc gia (theo tiêu chí hiện hành). Giảm tỷ suất sinh thô bình quân 0,05‰/năm. 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (qua thẩm định lại). Giảm 50% số hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới so với đầu nhiệm kỳ. Lao động được đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 40%. Kết nạp 350 đảng viên. Tập trung thực hiện 2 chương trình đột phá: Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện và 1 công trình trọng điểm: Đầu tư xây dựng, nâng cấp đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây thành đường giao thông kết nối (từ thị trấn Tân Trụ đến ranh TP.Tân An)”.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trương Thanh Liêm

 

Từ khi có khu Phố đêm Tân Trụ, người dân có điều kiện tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí, nhất là vào các ngày cuối tuần”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, ngụ thị trấn Tân Trụ

Song Hồng

Chia sẻ bài viết