Tiếng Việt | English

24/06/2022 - 08:27

Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 13/6/2022, Tỉnh ủy Long An tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh. Theo đó, BCĐ gồm 15 thành viên, trong đó ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban.

Ra mắt Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh

Ra mắt Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh

Theo ông Nguyễn Thành Vững - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ PCTN, tiêu cực tỉnh, BCĐ có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương; chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh, chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của BCĐ Trung ương, Thường trực BCĐ Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương.

BCĐ chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về PCTN, tiêu cực.

Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sai phạm; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan.

Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy lãnh, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong PCTN, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.

BCĐ cũng chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị. Chỉ đạo tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về PCTN, tiêu cực; định hướng cung cấp thông tin về PCTN, tiêu cực; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin, đưa tin về PCTN, tiêu cực và những hành vi lợi dụng việc PCTN, tiêu cực để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ.

Tổ chức sơ kết, tổng kết, định kỳ và đột xuất báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCĐ Trung ương về tình hình, kết quả công tác PCTN, tiêu cực, các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương và kết quả hoạt động của BCĐ cấp tỉnh. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy và BCĐ Trung ương giao.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Vững cho biết, BCĐ cấp tỉnh có quyền hạn yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền của địa phương báo cáo công tác lãnh, chỉ đạo và tình hình, kết quả công tác PCTN, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện các biện pháp PCTN, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.

Song song đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy lãnh, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh.

Yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong trường hợp cần thiết quyết định thành lập các tổ công tác liên ngành để chỉ đạo thực hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương. Kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động PCTN, tiêu cực,... ./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết