Tiếng Việt | English

07/01/2020 - 21:37

Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào công tác quản lý, khai thác di tích

Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Long An khóa IX, Đại biểu HĐND tỉnh có đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến việc đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp, quản lý và khai thác các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa tại địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần đã có thông tin cụ thể về kết quả thực hiện vấn đề này.

Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, Long An có 111 di tích lịch sử - văn hóa và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử, trong đó có 21 di tích quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh. Để khắc phục tình trạng các di tích lịch sử - văn hóa đã phân cấp cho UBND cấp huyện bị xuống cấp hoặc chưa được đầu tư xây dựng, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát cơ chế phân cấp kinh phí duy tu, bảo dưỡng, quản lý di tích hàng năm phù hợp với phân cấp quản lý để báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh.

UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra các công trình di tích được phân cấp quản lý. Đối với các công trình xuống cấp nghiêm trọng, cần trùng tu, sửa chữa cấp thiết thì điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Luật đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về kinh phí duy tu, bảo dưỡng di tích hàng năm, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố cân đối, sắp xếp trong dự toán ngân sách cấp huyện được giao hàng năm và vận động xã hội hóa.

Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi đầu tư vào các di tích nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào công tác quản lý, khai thác di tích, thu hút thêm các nguồn lực của xã hội, phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo phát huy tác dụng của di tích./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết