Tiếng Việt | English

03/09/2020 - 15:26

Tạo việc làm cho lao động nông nhàn

Bỏ công việc ổn định ở TP.HCM với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng, anh Đặng Văn Út, ngụ khu phố 11, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, về quê lập nghiệp bằng nghề may gia công, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Anh Đặng Văn Út vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội mua máy may, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương

Anh Đặng Văn Út vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội mua máy may, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương

Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em lại khó khăn về kinh tế nên anh Út không được đến trường như các bạn cùng trang lứa và phải vào đời mưu sinh sớm. Năm 2000, anh rời quê lên TP.HCM làm công nhân. Ban đầu, anh chỉ làm thợ phụ. Với bản tính cần cù và chịu khó mày mò, học hỏi, không lâu sau, anh không chỉ lên làm thợ may mà còn trở thành tổ trưởng chuyền may và quản lý hàng chục công nhân, với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng.

Trong quá trình làm việc tại TP.HCM, anh nhận thấy quê hương mình còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định. Vì thế, anh quyết tâm dành dụm tiền về quê mở cơ sở may gia công, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Anh Út chia sẻ: “Năm 2010, tôi về quê mở cơ sở may gia công. Lúc đó, khách hàng chủ yếu là các công ty nước ngoài, rất khó tính. Trong khi đó, cơ sở mới đi vào hoạt động, tay nghề của công nhân còn yếu nên thường xuyên làm hàng bị hư. Đồng thời, tôi chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh nên chỉ trong thời gian ngắn đã  phá sản và phải bán hết tài sản để trả nợ”.

Không đầu hàng số phận và quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình, anh Út chủ động tìm nguồn khách hàng mới tại địa phương. Theo đó, anh tìm đến các trường học và chợ để nhận may gia công đồng phục học sinh và đồ chợ cho các tiểu thương. Nhờ bản tính hiền lành, chịu khó, anh tạo được uy tín, lòng tin cho khách hàng. Hiện nay, cơ sở may gia công của anh nhận may đồng phục học sinh cho trên 10 trường học và đồ chợ cho tiểu thương ở thị trấn Thủ Thừa, từ đó, nguồn hàng rất thường xuyên, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương, với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng.

Bà Phan Thị Thanh Thúy, ngụ khu phố 11, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, nói: “Chồng tôi bị bệnh tai biến, do đó mọi sinh hoạt cần người khác giúp đỡ, còn tôi cũng lớn tuổi, không làm gì ra tiền nên kinh tế gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cháu Út hỗ trợ tôi 1 máy may công nghiệp và giao hàng tận nhà. Nhờ vậy, tôi vừa có thời gian chăm sóc chồng, vừa có công việc làm ổn định, với thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng”.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở may gia công của anh Út chưa bị ảnh hưởng nhiều, vì khách hàng chủ yếu là trong nước. Điều này khẳng định anh Út đã tìm được hướng đi ổn định cho cơ sở may gia công. Dự kiến thời gian tới, anh Út tiếp tục mở rộng cơ sở may gia công, hướng đến nguồn khách hàng là các tiểu thương buôn bán ở chợ. 

Dù cơ sở mới đi vào sản xuất ổn định nhưng vốn xuất thân từ nghèo khó, anh Út rất hiểu ý nghĩa khi người nghèo tìm được công việc ổn định, có điều kiện chăm sóc gia đình. Vậy là, anh tiếp tục đứng ra vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 50 triệu đồng đầu tư mua 5 máy may công nghiệp, sau đó vừa dạy nghề, vừa giao máy cho lao động nhàn rỗi không thể trực tiếp đến cơ sở làm việc. Chưa dừng ở đó, vào đầu mỗi năm học, anh Út thường may hàng chục bộ quần áo mới tặng trẻ em nghèo trên địa bàn thị trấn Thủ Thừa để các em có quần áo mới mặc trong ngàykhai giảng.

Trên hành trình lập thân, lập nghiệp, anh Út nói riêng, người dân Long An nói chung luôn nỗ lực khắc phục khó khăn và đau đáu trước những mảnh đời khốn khó của quê hương. Và họ bằng nhiều cách khác nhau đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết