Tiếng Việt | English

06/06/2022 - 11:13

Tập trung chăm sóc lúa Hè Thu 2022

Hiện nay, Long An gieo sạ được trên 209.960ha lúa Hè Thu (HT) 2022, đạt 98,1% kế hoạch. Trong đó, diện tích đã thu hoạch gần 400.200ha, năng suất khô ước đạt 52,95 tạ/ha, sản lượng gần 213.000 tấn.

Chủ động phòng bệnh

Theo ghi nhận, vụ lúa HT năm nay, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn: Thời tiết bất lợi, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao,... Những điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa và lợi nhuận của nông dân. Do đó, trước khi gieo sạ, nông dân đã phải “cân đo đong đếm” thật kỹ.

Ông Ngô Văn Thiện (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) cho biết, vụ này, gia đình ông gieo sạ 8ha lúa nếp IR4625, thời tiết và nguồn nước khá thuận lợi cho việc xuống giống. Tuy nhiên, nỗi lo của ông lúc này là giá các loại phân bón tăng cao gấp 2 - 3 lần so cùng kỳ, còn giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10 - 50%.

Chủ động phun xịt thuốc để bảo vệ lúa

Ông Thiện cho biết: “Vụ Đông Xuân vừa rồi, mặc dù lúa đạt năng suất cao nhưng gia đình tôi không có lãi nhiều. Nguyên nhân là giá phân bón, nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao. Do đó, vụ HT này gia đình tôi phải cân nhắc rất kỹ có nên gieo sạ hay không, bởi nếu tính không kỹ nhiều khả năng sẽ lỗ vốn”.

Còn anh Lê Thanh Xuân (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) cũng vừa xuống giống gần 10ha lúa. Nếu như hàng năm, mỗi vụ lúa anh thường rải từ 3 - 4 đợt phân bón thì năm nay, anh bỏ hẳn đợt phân đầu để giảm chi phí. Bên cạnh đó, anh dự kiến sẽ áp dụng triệt để các ứng dụng khoa học - kỹ thuật: Sử dụng giống xác nhận, phun xịt thuốc và bón phân theo nguyên tắc "4 đúng", quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,...

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, những ngày qua, tình hình sâu, bệnh bắt đầu xuất hiện: Bệnh đạo ôn lá có 7.252ha nhiễm, tăng 4.092ha so với tuần trước, tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 5 - 10%, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh ở hầu hết các huyện và thị xã Kiến Tường; rầy nâu có 2.350ha, tăng 2.280ha so với tuần trước, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh ở huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh.

Ngoài ra, còn có các đối tượng như sâu đục thân (835ha), ốc bươu vàng (672ha), bệnh cháy bìa lá (2.250ha), chuột (298ha), bọ trĩ (184ha), ngộ độc phèn (14ha),... xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.

Ông Lê Văn Điệp (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) chia sẻ: “Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên sinh vật gây hại diễn biến phức tạp, dễ bùng phát và tái phát hơn so với những năm trước, nhất là rầy nâu trên đồng ruộng và nguy cơ xuất hiện bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Gia đình tôi có hơn 2,5ha lúa HT đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Đây là giai đoạn rất dễ bùng phát bệnh nhưng do được hướng dẫn, khuyến cáo từ ngành chức năng nên tôi chủ động phun thuốc để phòng bệnh”.

Để sản xuất hiệu quả

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng thông tin: Hiện nay, diện tích lúa HT toàn huyện là trên 21.000ha (đạt 98,5% kế hoạch), các trà lúa hầu hết ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Vụ này, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá lúa vẫn "giậm chân tại chỗ". Chính vì thế, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tăng cường ứng dụng các loại phân hữu cơ vào sản xuất để vừa cải tạo đất, vừa giảm chi phí.

Nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sâu, bệnh trên lúa

Trước nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất lúa vụ HT, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp nông dân ứng phó hiệu quả và giảm tối đa các chi phí. Ðặc biệt, các địa phương đã hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thông qua các buổi tập huấn, mô hình cụ thể nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận. Thông tin, cập nhật thường xuyên về tình hình thời tiết, thủy văn, dịch bệnh và đưa ra các khuyến cáo kịp thời để giúp nông dân chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tu sửa, vận hành tốt các hệ thống thủy lợi để bảo đảm nguồn nước và kịp thời thông báo thời điểm thuận lợi về nguồn nước, giúp nông dân tận dụng lúc nước thủy triều lên để đưa nước vào ruộng lúa, giảm chi phí bơm nước. Mặt khác, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả trong vụ HT sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn và có khả năng thích ứng tốt hơn.

Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất trong vụ HT 2022, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền đề nghị các địa phương cần vận động nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng trên nền lúa kém hiệu quả. Ðối với những nơi không xuống giống được vụ màu, cần khuyến cáo, hướng dẫn nông dân chủ động vệ sinh đồng ruộng và làm đất ngay sau thu hoạch lúa để bảo đảm thời gian cách ly giữa vụ Đông Xuân và vụ HT ít nhất 3 tuần. Thực hiện cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng, giảm nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ. Chú ý lựa chọn các giống lúa phù hợp trên từng cánh đồng, trong đó tập trung sản xuất các giống lúa cho gạo chất lượng cao để tạo thuận lợi về đầu ra và tăng cường kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ ngay từ đầu vụ,.../.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết