Tiếng Việt | English

25/03/2019 - 14:15

Tập trung mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, tăng liên kết vùng - Bài 1: Bài toán cho phát triển là đẩy mạnh phát triển giao thông

Long An là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lại có vị trí là “cửa ngõ” của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kết nối với TP.HCM và miền Đông nên những năm qua, Long An luôn tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông để làm “cầu nối’ giữa các tỉnh miền Tây với TP.HCM và miền Đông, nhất là việc phát triển giao thông để tăng liên kết vùng. Tuy nhiên, dù có sự đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhưng thực tế, hạ tầng giao thông của Long An vẫn còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển KT-XH chung của tỉnh...

Kẹt xe ở cầu Bến Lức vào thời điểm tết 2019

Kẹt xe ở cầu Bến Lức vào thời điểm tết 2019

Từ năm 2016, Long An đẩy mạnh thực hiện Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm. Đây được xem là tiền đề cũng như động lực để tỉnh xúc tiến đầu tư vươn lên trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam.

Lợi thế “cô gái đẹp”

So với các tỉnh vùng ĐBSCL, Long An có vị trí rất “đắc địa”: Phía Đông tiếp giáp TP.HCM và tỉnh Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang, phía Bắc giáp nước bạn Campuchia (có đường biên giới dài khoảng 133km, có Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ)). Lại đứng ngay “cửa ngõ” nối liền TP.HCM, vùng Đông Nam bộ với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL lại là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Nên có lúc người ta ví Long An như một “cô gái đẹp”, ai đi qua cũng phải ngắm nhìn.

Với lợi thế này, đã giúp các nhà đầu tư tại Long An dễ dàng tiếp cận những tiện ích về kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, thị trường của TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời lại thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tại vùng ĐBSCL - một vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Có lẽ điều này góp phần tích cực đưa Long An thành tỉnh đứng đầu về thu hút đầu tư so với các tỉnh ở khu vực ĐBSCL. Đồng thời cũng là tỉnh có nguồn thu ngân sách đứng thứ 2 trong khu vực (sau Cần Thơ)... Đạt kết quả này là nhờ Long An biết cách khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương mình để vươn lên phát triển nhất, nhì khu vực... Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ góp một phần quan trọng vào sự phát triển của Long An trong thời gian qua. Như giao thông đường bộ, trên địa bàn tỉnh có các tuyến đường Quốc lộ (QL) 1, QLN2, QL50, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua,...

Trong tương lai, Long An sẽ có tuyến QLN1, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cũng như đường sắt TP.HCM - Trung Lương kết nối. Còn về giao thông thủy, có hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây gắn với Cảng Quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp đã đi vào hoạt động. Cảng biển Quốc tế Long An là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam (cảng này đã tiếp nhận tàu 30.000 DWT và tương lai từ 50.000-70.000 DWT), không chỉ góp phần giảm tải cho cụm cảng tại TP.HCM mà còn giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL khi có thể kết nối dễ dàng bằng cả đường thủy lẫn đường bộ. Đây được xem là lợi thế quan trọng của tỉnh so với các địa phương khác trong vùng.

Hiện nay, Long An cũng tiếp tục đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh các trục động lực kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh phục vụ phát triển công nghiệp như các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông kết nối với TP.HCM.

Bài toán cho phát triển là xóa ùn tắc giao thông

Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông một cách đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH địa phương và quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác hướng tới việc liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng kết nối vùng,...

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Đặng Hoàng Tuấn, Long An rất cần sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương, nhất là Bộ GTVT nhằm giảm đến mức thấp nhất vấn nạn kẹt xe liên tục trong thời gian qua, nhất là những dịp lễ, tết, không chỉ khu vực nội ô cầu Tân An (TP.Tân An) mà khu vực cầu Bến Lức (huyện Bến Lức), tuyến N2 đoạn từ ngã ba Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) về ngã ba Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa) cần được nâng cấp, mở rộng vì những đoạn tuyến này thường xuyên kẹt xe.

Ngoài ra, nhằm giảm tải cho QL1 về phía Đông, Bộ GTVT cần sớm cho xây dựng tuyến đường song hành với QL50. Có thể nói, tuyến đường này được xem là trục động lực, khi hoàn thành sẽ khơi dậy tiềm năng của vùng hạ Long An (gồm các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành), đồng thời, nó cũng là “cửa ngõ” kết nối với TP.HCM cho các huyện ven biển của Tiền Giang qua cầu Mỹ Lợi như huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công (gần đây, UBND TP.HCM kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một con đường mới song hành với QL50 bổ sung vào quy hoạch GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 và theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TP.HCM, dài khoảng 800m), điểm cuối sẽ kết nối với QL50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)).

Về phía Bắc, ngoài việc đẩy nhanh xây dựng tuyến QLN1 (hiện Bộ GTVT đã cho ghi vốn xây mới 5 cây cầu trên tuyến này thuộc địa bàn Long An), Bộ GTVT nên cho nâng cấp, mở rộng tuyến QL62, QLN2. Bởi ngoài việc giảm tải cho QL1, nó còn góp phần quan trọng kết nối thông suốt Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vùng ĐBSCL và vùng miền Đông, Tây Nguyên khi cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh được thông suốt,... bởi theo quy hoạch, ngoài tuyến QLN1 đang trong giai đoạn xây dựng, còn tuyến QLN2 đóng vai trò trục mới của vùng ĐBSCL với điểm đầu tại huyện Củ Chi (TP.HCM), hướng tuyến đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười giàu tiềm năng của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp để về miền Tây.

Bên cạnh đó, ngoài các dự án do Trung ương đầu tư, Long An cũng dồn sức đầu tư hệ thống hạ tầng tỉnh lộ với mục tiêu liên kết các vùng kinh tế động lực trong tỉnh, như đường Tân Tập - Long Hậu, đường Thủ Thừa - Bình Khánh, đường nối QLN1 - QL62 - Kênh 79. Với các dự án mang tính chất kết nối vùng, như tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Long An cũng thu xếp vốn để đầu tư.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, mặc dù kinh tế có bước phát triển nhưng nhìn chung, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn chưa phát triển xứng tầm, tạo rào cản trong thu hút đầu tư như nhiều tuyến đường có quy mô tải trọng khá thấp, là cản ngại trong thu hút các nhà đầu tư lớn; việc đầu tư chưa tập trung vào những công trình quan trọng mang tính chiến lược để phát triển công nghiệp, đặc biệt là chưa hình thành được các trục đường chính ngoài hàng rào kết nối khu, cụm công nghiệp; giao thông kết nối giữa TP.HCM và các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh thực hiện còn chậm, chưa phát huy được lợi thế tối ưu,...

Chia sẻ vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Sơn (đơn vị đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hải Sơn ở huyện Đức Hòa, Long An) - Phạm Thanh Phong cho biết: Mong mỏi lớn nhất của các nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp trên địa bàn Long An là tỉnh tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh để kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, các tuyến giao thông kết nối với TP.HCM hoặc đến các cảng biển cũng cần được đầu tư xây dựng hoàn thiện nhằm bảo đảm vận tải hàng hóa được xuyên suốt, thuận tiện. Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh cũng cần triển khai một cách nhanh chóng, đồng bộ để tạo ra một hình ảnh tốt nhất về hạ tầng trong mắt nhà đầu tư, từ đó góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết: Tỉnh đang đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp với nhau, kết nối với TP.HCM, Cảng biển Quốc tế Long An, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, nhất là tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung mọi nguồn lực triển khai 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, là Đường tỉnh 830, đường Vành đai TP.Tân An và Trục hạ tầng giao thông đô thị kết nối Long An - Tiền Giang - TPHCM. Qua đó cho thấy Long An đang huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng với ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa của tỉnh trong thời gian tới./.

(còn tiếp)

Bài 2: Kết nối giao thông thủy - bộ để phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Kiến Văn

Chia sẻ bài viết