Tiếng Việt | English

07/05/2018 - 13:33

Tập trung sản xuất vụ Hè Thu

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Long An gieo sạ 88.980ha lúa Hè Thu (HT), đạt 40,9% kế hoạch (221.900ha), bằng 49% so cùng kỳ năm 2017, trong đó, thu hoạch 15ha, năng suất ước 35 tạ/ha, sản lượng 53 tấn. Để sản xuất vụ HT đạt hiệu quả, ngành chức năng khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh gây hại lúa.

Phòng trừ sâu, bệnh

Hiện nay, nhiều diện tích lúa HT bị sâu, bệnh gây hại, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện có 980ha bị ốc bươu vàng phá hại, tăng 815ha so với tuần trước, xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường; 730ha nhiễm bệnh đạo ôn lá, tăng 288ha so với tuần trước, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở các huyện: Đức Huệ, Tân Thạnh, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường; 520ha nhiễm rầy nâu với mật độ 750-1.500 con/m2, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, tập trung ở huyện Tân Hưng.

Theo dự báo, tình hình sâu, bệnh tuần tới: Rầy nâu nở tuổi 1-2 gây hại cục bộ trên lúa HT giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường; bệnh đạo ôn lá gia tăng diện tích nhiễm trên lúa HT giai đoạn đẻ nhánh - đòng; ốc bươu vàng, chuột cắn phá rải rác trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười.

Nông dân làm đất gieo sạ lúa Hè Thu 2018

Nông dân làm đất gieo sạ lúa Hè Thu 2018

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết: Vụ Đông Xuân 2017-2018, trên địa bàn huyện xảy ra dịch bệnh sâu năn (muỗi hành). Nguyên nhân, một số nơi gieo sạ không đúng lịch khuyến cáo nên thiệt hại từ 70-90% và người dân bị thua lỗ trong sản xuất. Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tranh thủ ra đồng cày ải, phơi đất để diệt cỏ dại và mầm bệnh lưu tồn trong đất nhằm chuẩn bị tốt nhất cho sản xuất vụ HT 2018. Đến nay, toàn huyện gieo sạ trên 20.750ha. Đồng thời, nông dân tranh thủ cải tạo lại hệ thống kênh, mương nội đồng để bảo đảm đủ nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng trong vụ HT này. Theo đó, để giảm thiểu khả năng phát sinh, gây hại của sâu năn trong vụ HT, huyện khuyến cáo người dân sản xuất đúng lịch gieo sạ; cần thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch và chú ý khâu làm đất trước khi gieo sạ; hạn chế sản xuất các giống có sức chống chịu kém; sạ thưa với lượng giống từ 80-120kg/ha, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, không xử lý giống bằng các thuốc hóa học để thu hút thiên địch phát triển từ đầu vụ; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác: Kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Công nghệ sinh thái đồng ruộng”.

Tập trung chăm sóc

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, mùa bão năm 2018 có khả năng bắt đầu sớm ở Bắc biển Đông và mùa mưa tại khu vực Nam bộ có khả năng đến sớm, tổng lượng mưa tháng 5-2018 có khả năng ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm.

Độ mặn cao nhất hiện nay đo được một số nơi vùng cửa sông: Cầu Nổi sông Vàm Cỏ 8,6 gram/lít, cầu Bến Lức sông Vàm Cỏ Đông 1 gram/lít, cống Tầm Vu sông Vàm Cỏ Tây 0,5 gram/lít.

Bên cạnh đó, một số dịch hại nguy hiểm có nguy cơ bùng phát gây hại cho sản xuất lúa HT 2018, nhất là sâu năn và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL).

Nông dân tập trung sản xuất lúa Hè Thu 2018

Để bảo vệ lúa vụ HT 2018, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện đề nghị các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện: Củng cố và tăng cường hoạt động ban chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh VL-LXL; ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp các cấp và theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn tại địa phương nhằm chủ động ứng phó với các diễn biến thời tiết bất lợi đối với cây trồng; thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân bằng nhiều hình thức về tình hình sinh vật gây hại cây trồng, chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, lịch gieo sạ né rầy để người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại có hiệu quả và tích cực trong việc lấy nước, tiêu nước trong sản xuất nông nghiệp; tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng,... kết hợp sử dụng phân bón có các vi sinh vật có lợi để phân hủy rơm rạ nhanh, tăng độ phì cho đất, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan sang vụ HT 2018 và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,...

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động rà soát kế hoạch sản xuất lúa HT chính vụ, tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ xuống giống hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với vụ ĐX ít nhất 3 tuần, kết hợp theo dõi diễn biến nguồn nước để bố trí lịch gieo sạ: Đợt 2 từ ngày 22/5 đến 01/6/2018, đợt 3 từ ngày 20 đến 30/6/2018; cơ cấu giống, nhóm giống lúa chủ lực: OM 4900, OM 5451, nếp, Đài thơm 8, RVT, Nàng hoa 9, OM 6976,... đối với giống nếp IR 4625 chiếm tỷ lệ cơ cấu giống khá cao nên khuyến cáo hạn chế sử dụng; tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

Đối với các huyện, thị xã có diện tích gieo sạ lúa HT sớm, phải tập trung chỉ đạo quản lý, theo dõi sát tình hình sinh vật gây hại, phát hiện và phòng trừ kịp thời, đặc biệt là sâu năn, bệnh VL-LXL, không để bộc phát, lây lan các đối tượng dịch hại sang lúa HT chính vụ.

Ngoài ra, các địa phương phối hợp các đoàn thể vận động nông dân kiểm soát lục bình, khai thông dòng chảy phục vụ sản xuất; tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời việc lưu hành các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết