Tiếng Việt | English

23/04/2018 - 10:51

Tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho lĩnh vực đầu tư xây dựng

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Tại điểm cầu Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được chủ trì hội nghị.

Hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của 12 luật khác nhau, rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư XDCB. Từ đó, Chính phủ, các bộ, ngành đề ra những giải pháp khắc phục hiệu quả, phát triển bền vững hoạt động đầu tư xây dựng - một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất của nền kinh tế. Thời gian qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện có ở tất cả giai đoạn của quá trình đầu tư XDCB, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đến kết thúc dự án, đưa vào sử dụng.

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thực hiện 6 giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư XDCB:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, xây dựng. Giao các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; tiếp tục hoàn thiện dự án luật sửa 4 luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6, bảo đảm phù hợp, thống nhất của 4 luật này với Luật Quy hoạch; hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết hợp đồng xây dựng, trình Chính phủ trong tháng 11-2018; triển khai đồng bộ, kịp thời các đề án đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hệ thống định mức và giá xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp bộ, ngành, cơ quan liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường theo hướng thống nhất thời điểm thẩm định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư theo hướng mở rộng phạm vi.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư cho phù hợp.

Thứ hai, tăng cường phối hợp chặt chẽ, thống nhất, kịp thời trong quá trình soạn thảo, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật giữa các bên.

Thứ ba, củng cố bộ máy, tổ chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đầu tư xây dựng.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư xây dựng; kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, trả lời vướng mắc, khó khăn, kiến nghị.

Cuối cùng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư XDCB. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan, UBND các địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả triển khai để báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu.

“Chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp chắc chắn sẽ tháo gỡ các vướng mắc hiện nay về XDCB, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng, nâng cao đời sống của người dân, phát triển KT-XH đất nước” - Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết