Không quân Mỹ được coi là mạnh nhất trên toàn cầu, chính vì thế, rất hiếm khi các sĩ quan hàng đầu của lực lượng này bày tỏ lo ngại về một loại vũ khí cụ thể nào của đối thủ.
Máy bay Trung Quốc phóng tên lửa PL-15. Ảnh DailyBeast
Đứng ngồi không yên
Điều này lý giải việc Mỹ đã thực sự lo lắng như thế nào khi Tướng Herbert Carlisle, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến đấu của Không quân Mỹ phải 2 lần lên tiếng bày tỏ quan ngại về một loại tên lửa mới của Trung Quốc chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần qua.
Tên lửa không đối không PL-15 của Trung Quốc được trang bị hệ thống radar dò tìm hiện đại cùng hệ thống phóng mạnh mẽ cho phép tên lửa này có thể bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách gần 100km hoặc hơn - tức là tương đương với các tên lửa phóng từ các máy bay chiến đấu của Mỹ.
“Hãy nhìn vào những loại vũ khí mà đối thủ của chúng ta đang phát triển, ví dụ như tên lửa PL-15 và tầm bắn của loại vũ khí này”, ông Carlisle phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 15/9- thời điểm Trung Quốc công bố phóng thử loại tên lửa này lần đầu tiên.
“Làm thế nào để chúng ta đối chọi với loại vũ khí này và chúng ta sẽ phải làm gì để đối phó với mối đe dọa đó”, ông Carlisle đặt câu hỏi.
Ngay ngày hôm sau, tờ Flight Global dẫn lời ông Carlisle trong một cuộc phỏng vấn nhắc lại mối lo ngại của mình: “Chúng ta cần phải nhanh chóng tìm ra cách để bắn hạ tên lửa PL-15”.
Vượt trội cả về chất lượng và số lượng
Dù được coi là loại tên lửa cực kỳ phức tạp, PL-15 vẫn bị nhiều chuyên gia Mỹ hoài nghi về sức mạnh thật sự của loại tên lửa này khi so sánh với tên lửa không đối không AIM-120 của Mỹ.
Không chỉ chất lượng của tên lửa PL-15 khiến ông Carlisle và giới chức Không quân Mỹ lo ngại mà còn bởi không quân Trung Quốc hoàn toàn có thể phóng ra nhiều quả tên lửa này trong cùng một thời điểm.
“Rất ít loại vũ khí có thể hoạt động độc lập”, Thiếu tá Michael Meridith, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Chiến đấu của Không quân Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi quan tâm đến một loạt những tính năng khi tham chiến của loại vũ khí đó, bao gồm, hệ thống dẫn đường, loại đầu đạn, khả năng cơ động, khả năng né tránh khi bị đánh chặn, độ tin cậy, tốc độ và tầm bắn. Đây là những yếu tố hoàn toàn có thể thay đổi phụ thuộc vào từng hệ thống vũ khí các nhau cũng như những tính năng riêng được trang bị cho loại vũ khí đó”.
Để so sánh, các chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc, một biến thể của “huyền thoại” Su-27 của Nga có thể trang bị tới 12 tên lửa PL-15 và 2 tên lửa nhỏ hơn, trong khi chiếc F-22 của Mỹ chỉ có thể trang bị tối đa 6 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa nhỏ Sidewinders.
Phi đội F-22 của Mỹ. Ảnh AP
Sự thất thế trên là bởi, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, các chiến đấu cơ của Mỹ được thiết kế tập trung vào tình năng tàng hình- tức là khả năng né tránh radar. Khả năng tàng hình này phụ thuộc vào “độ êm” khi hoạt động của máy bay- hay là việc hạn chế tối đa máy bay phát ra tín hiệu mà radar có thể phát hiện ra.
Điều đó có nghĩa là phải giấu các loại vũ khí trên máy bay vào khoang vũ khí. Tuy nhiên, khoang vũ khí thường ít có chỗ để đặt vũ khí hơn so với đặt ở bên dưới cánh và thân máy bay, nơi các chiến đấu cơ Trung Quốc lắp đặt vũ khí.
Việc có thể tàng hình được sẽ tạo ra ưu thế trong một số tình huống cụ thể, tuy nhiên, khi phải một đối một, điều này sẽ khiến chiến đấu cơ của Mỹ thiệt thòi về vũ khí so với đối phương.
Thậm chí tình thế có thể còn tồi tệ hơn bởi Mỹ chỉ có 195 chiếc F-22 do chi phí quá đắt đỏ so với 300 chiếc J-11. Ngoài ra, Trung Quốc còn hàng trăm chiếc J-10 và các loại máy bay chiến đấu khác.
Dù F-22 có khả năng tàng hình khiến chiến đấu cơ địch khó phát hiện ra nhưng không thể phủ nhận được rằng, số lượng ít ỏi khiến F-22 hoàn toàn thất thế.
Chính ông Carlisle đã thừa nhận rằng, việc Lầu Năm Góc năm 2009 quyết định dừng sản xuất máy bay F-22 là “sai lầm lớn nhất từ trước đến nay”.
Để sửa sai, Lầu Năm Góc dự định sắm thêm hàng trăm máy bay chiến đấu F-35 hiện đại. Tuy nhiên, khả năng tàng hình khiến F-35 thậm chí mang ít vũ khí hơn cả F-22 với chỉ 2 tên lửa AIM-120.
Chính vì thế, không khó để hình dung ra kết quả như thế nào nếu phi đội máy bay Mỹ đụng độ với máy bay Trung Quốc, vốn được trang bị nhiều vũ khí hơn rất nhiều.
“Chữa cháy” bằng F-15
Để bù đắp vào thiếu sót đó, Boeing của Mỹ đã đề xuất lắp thêm vũ khí lên các máy bay chiến đấu đời cũ của Mỹ như F-15 và nâng số tên lửa AIM-120 được lắp đặt trên loại máy bay này lên con số kỷ lục là 16, nhiều 2 hai quả tên lửa so với máy bay J-11.
“Đề xuất này là vì lợi ích của Không quân Mỹ”, Phó Chủ tịch Boeing Mike Gibbons tuyên bố.
Hai máy bay F-15 của Mỹ. Ảnh AP
Boeing hiện vẫn còn tới 200 máy bay F-15 được sản xuất từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Dù không có tính năng tàng hình nhừ F-22, ông Carlisle cho biết, hai loại máy bay này có thể bay cùng một đội với nhau và F-22 sẽ đóng vai trò phát hiện mục tiêu để F-15 tiêu diệt.
Ý tưởng này của Boeing có lẽ là cách tốt nhất để Không quân Mỹ có thể bắt kịp với những ưu thế của tên lửa PL-15 của Trung Quốc và khiến ông Carlisle có thể “kê cao gối ngủ”./.
Trần Khánh/VOV.VN