Tiếng Việt | English

28/01/2020 - 08:56

Tết năm sau, con sẽ về

Quê hương không chỉ là nguồn cội, nơi ta sinh ra, lớn lên, gắn liền với bao ký ức tuổi thơ mà nơi đó còn có mẹ, cha, người thân đang ngóng chờ. Nỗi nhớ quê hương lại càng da diết hơn mỗi khi tết đến, xuân về.

1. Dù làm nghề gì, thành công thế nào đi nữa thì nơi “chôn nhau, cắt rốn” vẫn rất đỗi thiêng liêng với mỗi người, để rồi “đi xa lại muốn về, khổ đau càng muốn về”. Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người - câu hát vẫn như là lời răn dạy, nhắc nhở mỗi người sống phải luôn nhớ về nguồn cội, nơi mình đã sinh ra. 

Có lẽ, nhiều người khi lớn lên, trưởng thành, đều mong muốn được gắn bó, cống hiến và xây dựng quê hương. Nhưng vì nhiều lý do, điều kiện, nhiều người phải rời quê đến một vùng đất mới để sinh sống, làm việc. Đất lạ người xa với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng mọi người đều vượt qua để hòa nhập, bắt nhịp và gắn bó cả đời. Nhưng, hình ảnh quê hương vẫn in đậm trong tâm hồn.
Chiều nay, lang thang trên con phố nhỏ hàng ngày vẫn nhâm nhi ly cà phê với bạn bè, bỗng nhận ra đường phố, góc quán quen có gì là lạ. Hóa ra, những nơi quen thuộc đi qua và dừng chân mỗi ngày ấy đã được trang trí đẹp hơn để chào đón tết. Khu trung tâm thương mại nằm cạnh bên cũng thay đổi giọng đọc quảng bá sản phẩm bằng những nền nhạc, bài hát về mùa xuân, quê hương. Trong lúc đang miên man dòng suy nghĩ về tết, quê nhà, tiếng chuông điện thoại reo vang. Mở máy, phía bên kia là giọng nói của thằng bạn ở quê: “Tết này, mày có về ăn tết với ông bà không? Lâu nay không gặp mày. Nghe đâu tết này, tụi bạn ở tứ phương sẽ về quê ăn tết, đông vui lắm…”. Những câu hỏi dồn dập của thằng bạn càng làm tôi nao lòng.

Ai cũng có một quê hương để thương, để nhớ. Với tôi, quê hương không chỉ là nơi sinh ra, lớn lên với một bầu trời ký ức tuổi thơ vui vẻ thời chăn trâu, cắt cỏ, tắm sông. Đó còn là những rung động đầu đời khi nhìn cô bạn gái trong xóm nhỏ. Và, nơi ấy còn có cha, mẹ, anh, em và người thân đang ngóng chờ. Quê hương cũng là nơi ông bà, tổ tiên đang an nghỉ, để mỗi lần con cháu trở về, lại ra mộ thắp những nén nhang thơm.

Khi vui hay buồn, kể cả những đêm khuya trằn trọc khó ngủ, nỗi nhớ quê hương lại ùa về. Thế nhưng, nỗi nhớ quê hương da diết nhất vẫn là khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ dần được gỡ xuống. Xa quê, tôi thấm thía nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân và bè bạn thuở hàn vi.

2. Buổi chiều cuối năm, chạy trên con đường nhỏ từ cơ quan về nhà, nhìn nhiều gia đình quây quần bên bữa cơm tối, tôi thèm lắm bữa cơm đoàn viên với cha, mẹ già đã một đời tần tảo vì con; thèm một bát canh rau mẹ nấu hái từ mảnh vườn trước nhà. Quê hương ơi, sao mà nhớ quá! Tôi muốn về để được ngắm nhìn con sông quê lững lờ trôi chảy, những quả đồi và cánh đồng gắn liền với bao ký ức tắm sông, hái sim, chăn trâu, trộm ổi với tụi bạn thời thơ ấu. Tôi muốn về để đi giữa mảnh đất quê hương, hít hà không khí mát lành tràn đầy tình thương yêu, được chạy nhảy giữa nương khoai, ruộng lúa như thời con nít.

Trong cái nắng vàng của vùng đất phương Nam, tôi nhớ khí trời lành lạnh ở quê trong những ngày tết, nhớ những cơn mưa phùn lất phất không đủ làm ướt áo người đi đường mà chỉ đọng lại lơ thơ như hạt sương trên mái tóc. Nhớ cả buổi sáng sớm lẽo đẽo theo mẹ ra chợ tết quê; cùng cha đi cắt lá, vo gạo nếp, quết bột gói bánh. Trước đêm giao thừa, cả nhà ngồi bên bếp lửa hồng nấu bánh, tiếng cười nói rôm rả mà ấm áp, vui vẻ biết bao. Hình ảnh cả xóm chung nhau con heo lớn làm thịt cũng làm bồi hồi nỗi lòng của người đi xa mỗi khi tết đến. 

Tết quê còn đọng lại trong tôi những kỷ niệm với bạn bè. Thời đó, chúng tôi vẫn thường chở nhau bằng xe đạp đến thăm thầy cô, đến chơi nhà từng đứa bạn trong lớp... Trong những ngày lành lạnh của tết, bọn trẻ chúng tôi vẫn thường ra ngồi dưới gốc đa đầu làng để nói chuyện trên trời dưới đất, đốt lửa sưởi ấm. Tôi nhớ cả những mái đình, giếng nước ở đầu làng - nơi những ngày tết chúng tôi vẫn thường hẹn nhau bắn bi, đánh đáo...

Tôi tự hỏi, chúng bạn thuở nào giờ ra sao? thầy, cô còn khỏe không? quê hương, con đường làng, gốc đa, sân đình, mái trường xưa, con sông quê,... đã có gì thay đổi, có khác trước nhiều không? Chợt nghĩ, bao nhiêu cái tết rồi tôi chưa về quê. Cha, mẹ già sẽ còn đón bao nhiêu cái tết nữa với con cháu? Những ai sống xa quê, xa người thân có lẽ sẽ hiểu vì sao, trong dịp tết, những người xa xứ lại muốn được về sum vầy bên gia đình, những người thân yêu, được ăn bữa cơm đoàn viên cuối năm, đón giao thừa và gặp lại những đứa bạn, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp.

Tôi hiểu rằng, giờ này có lẽ, cha, mẹ, người thân ở quê đang chờ đợi và mong ngóng tôi trở về sum vầy cùng gia đình. Vì thế, với tôi, tết luôn là dịp để trở về chốn xưa. Nếu có điều kiện, tôi sẽ sắp xếp đưa vợ, con về quê ăn tết. Đó cũng như lời nhắn nhủ, giáo dục con biết về nguồn cội.

Tết năm sau con sẽ về! Về để cảm nhận trọn vẹn cái tết đoàn viên cùng cha, mẹ và người thân sau năm dài tháng rộng sống, làm việc xa nhà./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết