Tiếng Việt | English

13/01/2020 - 20:25

Tết về, thăm xóm dán đầu lân

Xuân về, tiếng trống múa lân cũng rộn rã theo về. Tại xã Long Khê, huyện Cần Đước, có một xóm nhỏ theo nghề dán đầu lân, tuy chỉ là loại nhỏ phục vụ khách hàng “nhí” nhưng cũng lắm công phu.

10 năm nay, có nhiều người bỏ nghề, rời xóm nhỏ nhưng gia đình ông Hai Bông vẫn bám trụ với công việc này
10 năm nay, có nhiều người bỏ nghề, rời xóm nhỏ nhưng gia đình ông Hai Bông vẫn bám trụ với công việc này

Gọi là xóm dán đầu lân nhưng ở ấp 1, xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, chỉ còn đôi ba nhà giữ nghề này. Tuy vậy, vừa đặt chân vào xóm, chúng tôi đã thấy nhiều đầu lân vừa dán giấy bồi được bày phơi hai bên đường. Căn nhà nhỏ của ông Hai Bông (Trần Văn Thông) từ ngoài ngõ vào đến nhà đầy những đầu lân đang làm dang dở. Mọi người ngồi giữa đống đầu lân ngổn ngang, thoăn thoắt hoàn thành công đoạn của mình.

Suốt hơn chục năm, nhiều người bỏ nghề, rời xóm nhỏ nhưng gia đình ông Hai Bông vẫn bám trụ cùng công việc dán đầu lân. Ngày mới bắt đầu khi ông vót trúc làm khung, con gái, con rể dán giấy bồi và mấy đứa cháu nhỏ tỉ mẩn dán lông, vẽ mặt cho lân. Để có một chiếc đầu lân hoàn chỉnh phải qua năm, bảy công đoạn công phu, tỉ mỉ. Ông Hai Bông không buồn đếm xem mình phải làm bao nhiêu việc để cho ra thành phẩm. Ông và con cháu trong nhà chỉ cố gắng giữ năng suất 200 đầu lân trở lên trong vòng 1 tuần để kịp giao cho đầu mối. Vào dịp cao điểm, cả nhà phải làm ráo riết ngày đêm vì hàng không đủ cung.

Ông Bông kể: “Hồi trước, xóm này nhiều người làm đầu lân, lớn nhất là gia đình người Hoa sống cặp vách đây. Họ làm nhiều lắm, thuê mướn cả chục nhân công làm liên tục, nhưng sau đó họ dời đi. Xóm này chỉ còn gia đình tôi và gia đình đứa cháu vẫn bám lấy nghề. Làm cũng vất vả lắm nhưng đã quen rồi nên không muốn bỏ”.

Đầu lân làm tại đây là loại nhỏ, tuy không quá cầu kỳ như đầu lân biểu diễn nhưng phải đầy đủ mắt, tai, mũi, trái châu, được lắp đèn chớp tắt, mi mắt lân phải chớp được khi múa và hình vẽ trên mặt phải chính xác, thẩm mỹ

Đầu lân làm tại đây là loại nhỏ, tuy không quá cầu kỳ như đầu lân biểu diễn nhưng phải đầy đủ mắt, tai, mũi, trái châu, được lắp đèn chớp tắt, mi mắt lân phải chớp được khi múa và hình vẽ trên mặt phải chính xác, thẩm mỹ

Đầu lân làm tại đây là loại nhỏ, tuy không quá cầu kỳ như đầu lân biểu diễn nhưng cũng không được đại khái, qua loa. Mỗi bộ là 1 cặp lớn nhỏ, phải đầy đủ mắt, tai, mũi, trái châu và được lắp đèn chớp tắt. Mi mắt lân phải chớp được khi múa. Hình vẽ trên mặt phải chính xác, đẹp mắt thì đầu mối mới thu mua. Bởi vậy, gia đình ông thường phân công cụ thể công việc cho từng người. Đứa cháu ngoại lớn nhất, khéo tay nhất thì vẽ mặt, vẽ răng và sơn phết. Ông Bông giàu kinh nghiệm thì vót tre làm khung, các khâu còn lại giao cho những thành viên khác trong nhà. Dù là công đoạn nào, muốn có được đầu lân đẹp phải tỉ mỉ, chính xác. Một khâu không cẩn thận dễ làm ảnh hưởng thẩm mỹ toàn sản phẩm.

Dán đầu lân là công việc quanh năm nhưng dịp Trung thu và tết thì bận rộn hơn hẳn ngày thường. Trần Minh Vũ - thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình, nói: “Dịp cao điểm, đầu mối hối hàng dữ lắm! Có nhiêu họ bảo đem lên bấy nhiêu. Với lại tết thì họ đặt làm nhiều màu hơn ngày thường”. Để kịp đợt hàng giao cuối tuần này, Vũ và các anh phải làm suốt trưa. Em giải thích: “Công đoạn dán lông phải có điện mới làm được nên tụi em tranh thủ, lỡ cuối tuần cúp điện. Bây giờ không làm thì tối cũng phải thức khuya để làm”.

Mặc dù nhỏ tuổi nhất nhưng Vũ đã có kinh nghiệm 3 năm làm đầu lân. Em được giao các công đoạn đơn giản như dán lông, gắn mắt, gắn trái châu,... Vũ nói: “Đầu lân này là loại nhỏ, không cầu kỳ quá nên nếu quen tay rồi sẽ nhanh hơn. Sản phẩm nhìn công phu vậy chứ làm từng công đoạn thì không quá khó đâu”. Sản phẩm hoàn tất được xếp theo cặp, giao cho đầu mối với giá 100.000 đồng. Những chiếc đầu lân ấy rồi sẽ theo xe buôn đi khắp mọi miền, thậm chí được giao sang nước bạn, mang chút niềm vui cho các em nhỏ yêu thích múa lân./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết