Tiếng Việt | English

24/08/2020 - 09:57

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945 là nhờ sự chuẩn bị chu đáo, lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh và Đảng ta

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan ách thống trị của thực dân, đế quốc ở Việt Nam trong khoảng một thế kỷ, lật đổ chế độ phong kiến hàng ngàn năm, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch cố tìm mọi cách xuyên tạc, chúng thường “nhai lại” những luận điệu cũ cho rằng, cuộc Cách mạng Tháng Tám và nước Việt Nam mới ra đời năm 1945 chỉ là “ngẫu nhiên”, “ăn may” nhằm phủ nhận vai trò của Hồ Chí Minh và Đảng ta, phủ nhận sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân Việt Nam.

Thực tế, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945 không phải là sự “ăn may” mà thể hiện sự chuẩn bị chu đáo của Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, thể hiện vai trò đoàn kết của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.

Thứ nhất, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thể hiện sự chuẩn bị chu đáo của Hồ Chí Minh.

Vào những năm cuối thập kỷ 30 (thế kỷ XX), trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới, nhất là nguy cơ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đến gần, với nhãn quan chính trị sáng suốt và thực tiễn hoạt động quốc tế phong phú, Hồ Chí Minh đã đưa ra một nhận định chính xác: Chủ nghĩa phát xít nhất định bị tiêu diệt, đây là thời cơ thuận lợi cho các dân tộc đứng lên tự giải phóng. Người quyết định thành lập Việt Nam Đồng minh Hội trên đất Trung Quốc, trước hết để hợp thức hóa về mặt tổ chức, có điều kiện về nước một cách hợp lý; còn lâu dài để có tổ chức liên lạc với quốc tế. Thời gian này, Người triển khai những hoạt động quốc tế dồn dập nhằm thanh thủ mọi lực lượng, tạo hậu thuẫn cho cách mạng Việt Nam: Trực tiếp gặp Chu Ân Lai - đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, bàn phối hợp hoạt động giữa cách mạng 2 nước; cử Trần Văn Hinh đi Diên An để mở rộng quan hệ quốc tế, đón nhận thông tin của Quốc tế Cộng sản, gửi thư cho Quốc tế Cộng sản yêu cầu giúp đỡ; viết bài cho Cứu vong Nhật báo - tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định cách mạng Việt Nam là một lực lượng trong phe Đồng minh chống phát xít,...

Mùa Xuân năm 1941, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người tiến hành xây dựng các đoàn thể cứu quốc, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh gọi tắt là Việt Minh… Có thể nói, việc thành lập Mặt trận Việt Minh là quyết định sáng tạo của Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu của lịch sử, có sức lôi cuốn, hiệu triệu mạnh mẽ quần chúng đứng lên giành độc lập, tự do.

Tháng 8/1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng minh ở Đông Dương, quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, những điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng chuẩn bị gấp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu Quốc dân ở Tân Trào. Người nhấn mạnh, lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dải Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập. Ngày 15/8, Hội nghị Quốc dân của Đảng bế mạc thì chiều ngày 16-8 thực hiện chỉ thị của Người, Đại hội đại biểu Quốc dân khai mạc và họp đến ngày 17/8 dưới sự chủ trì của Người. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng. Ngay sau Đại hội, Người gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Thứ hai, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thể hiện vai trò lãnh đạo tài tình của Đảng ta

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là kết quả của 15 năm chuẩn bị của Đảng ta qua các phong trào, cao trào cách mạng: 1930-1931; 1936-1939, 1939-1945. Đặc biệt, trong cao trào cách mạng 1939-1945, Đảng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo về đường lối chính trị, lực lượng cách mạng, căn cứ địa cách mạng. Đảng ta đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu từ Hội nghị ban Chấp hành Trung ương lần thứ VI (11/1939) được bổ sung phát triển tại Hội nghị lần thứ VII (11/1940) và hoàn chỉnh tại Hội nghị lần thứ VIII (5/1941). Đảng ta khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Từ tháng 5-1941 đến 8-1945, Đảng ta đã bổ sung, phát triển đường lối kháng Nhật, cứu nước (3-1945) hay Hội nghị toàn quốc của Đảng (13/8 đến 15/8/1945),… Thực tế cho thấy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 theo đúng dự báo và sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta.

Về lực lượng cách mạng: Đảng ta chú trọng xây dựng lực lượng mạnh cả về chính trị và lực lượng vũ trang. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, Đảng ta đã xây dựng được lực lượng bán vũ trang của quần chúng và lực lượng vũ trang tập trung với 3 trung đội cứu quốc quân. Trên cơ sở đó thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đảng ta nhấn mạnh: “Chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù, nghĩa là nay mai đây cuộc chiến tranh Thái Bình Dương thắng lợi, thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.

Về xây dựng căn cứ địa cách mạng: Đảng ta đã chọn Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang,… làm nơi đặt cơ quan đầu não chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Thứ ba, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945 thể hiện vai trò đoàn kết của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 diễn ra trong điều kiện thời cơ đã chín muồi với sự chuẩn bị chu đáo và sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và Đảng ta, nhưng chính tinh thần đoàn kết dân tộc, khí thế và sức mạnh của quần chúng nhân dân đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Ngày 15 -5-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến, Đảng ta đã phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, hàng chục triệu người Việt Nam đủ mọi giai cấp, tầng lớp trên khắp 3 miền đất nước đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa.

Sáng ngày 19/8/1945, khoảng 20 vạn người dân Hà Nội tiến hành biểu tình thị uy, sau đó quần chúng chia thành 2 khối đánh chiếm phủ Khâm sai và Trại bảo an. Đến chiều ngày 19/8, quân Nhật rút khỏi Hà Nội, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã thắng lợi. Sau đó, hàng loạt địa phương khác trên cả nước tiến hành khởi nghĩa, giành chính quyền và đã thành công; ngày 28/8/1945 nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền,…

Như vậy, thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 là kết quả của sự chuẩn bị chu đáo, sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh và Đảng ta, đề ra chủ trương, kế hoạch Tổng khởi nghĩa kịp thời, đúng thời cơ, vừa tranh thủ đoàn kết quốc tế, vừa động viên được sự đoàn kết, nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định của lịch sử dân tộc để làm nên thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của khu vực Đông Nam châu Á. Đây là một sự chuẩn bị khoa học, sáng tạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta chứ không phải như những lời xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng cuộc Cách mạng Tháng Tám và nước Việt Nam mới ra đời năm 1945 là “ngẫu nhiên”, “ăn may”.

Ths.Đoàn Văn Xê (Trường Chính trị Long An)

Chia sẻ bài viết