Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lịch sử (LS) Việt Nam có bề dày hơn 4.000 năm dựng nước, giữ nước và phát triển, với truyền thống hào hùng của dân tộc, luôn có tầm quan trọng và giữ nguyên giá trị trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tạo dựng nhân cách cho con người.
Lâu nay, không ít học sinh ngại học môn LS vì đây là môn học khô khan, khó nhớ với vô số sự kiện, số liệu, nhân vật, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học kinh nghiệm,… Việc học sinh có hứng thú hay không hứng thú với môn LS phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng, phương pháp giảng dạy của giáo viên. Thay vì hô hào học sinh hãy yêu thích môn LS, giáo viên cần thắp lên ngọn lửa đam mê về LS, văn hóa quê hương, đất nước, dân tộc cho thế hệ trẻ thông qua sự sáng tạo trong mỗi bài giảng. Cách dạy và học phát huy hiệu quả nhất là hướng dẫn học sinh phân tích, thảo luận, phản biện,... để các em hiểu rõ và khắc sâu kiến thức.
LS là môn học kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Ðây là môn học mang tính nhân văn, giúp hình thành, nuôi dưỡng lòng yêu nước của mỗi người. Học LS để hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của dân tộc, từ đó kế thừa và phát huy những thành tựu của cha ông để tiếp tục xây dựng, bảo vệ đất nước.
Mỗi học sinh hãy nhân lên niềm đam mê học môn LS để biết tổ tiên, ông cha ta đã lập quốc, giữ nước như thế nào, từ đó khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau./.
Nguyễn Chí Thanh