Trải qua 1 thế kỷ với những đổi thay to lớn, hơn ai hết, mẹ Tràng hiểu giá trị của cuộc sống hòa bình, yên ấm, bình an
Hơn 100 tuổi, mẹ Tràng là mẹ VNAH lớn tuổi nhất ở Châu Thành. Mẹ vẫn còn khỏe mạnh và minh mẩn, vẫn đi lại quanh nhà. Thấy có người đến thăm, mẹ cười, nụ cười thật hiền và ánh lên những niềm vui!
“Mẹ tui hiền lắm”
Lưng mẹ còng gập do vết tích của thời gian, tai cũng lãng không nghe được nhiều nữa. Thường ngày, mẹ quanh quẩn ở nhà, thỉnh thoảng ra vườn nhổ vài cọng cỏ, chăm lại chậu hoa. Những ngày nắng nóng, mẹ dành nhiều thời gian nằm nghỉ. Bà Trần Thị Út, con dâu của mẹ, thỉnh thoảng lại nhắc mẹ chồng: “Má muốn đi tắm cho mát không”. Mẹ lắc đầu vì sợ …cực con dâu.
Hơn 100 tuổi, nhưng mẹ Tràng vẫn còn minh mẩn lắm. Trái tim người mẹ thương con chẳng có gì thay đổi được. Tuổi cao sức yếu, không thể làm gì được cho con cháu, mỗi ngày, mẹ đều đặn thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên cầu xin cho con cháu được bình an. Tay, chân yếu nhiều, không thể ngồi hay quỳ trước bàn thờ được nên mẹ đứng, dẫu dáng đứng còng gập, khó khăn. Mỗi tháng 10 ngày, mẹ ăn chay với mong ước đem được điều lành, điều phước cho người thân, con cháu.
Hiện tại, mọi việc chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho mẹ đều do bà Út đảm nhiệm, nên mẹ Tràng luôn xem bà như con gái. Thỉnh thoảng thấy con dâu mệt, mẹ lại tự tay pha ly sữa mang tới và nhắc bà Út phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Làm dâu của mẹ Tràng từ khi 18 tuổi, đến nay tóc đã hai màu, ấn tượng lớn nhất của bà Út về mẹ Tràng là “Mẹ tui hiền lắm, hay lo cho con cháu”. Trái tim người mẹ chưa bao giờ ngừng nghĩ về con!
Làm dâu của mẹ Tràng từ khi 18 tuổi, đến nay tóc đã hai màu, ấn tượng lớn nhất của bà Út về mẹ Tràng là “Mẹ tui hiền lắm, hay lo cho con cháu”
Cánh cò đơn độc nuôi con
Mẹ Tràng đã trải qua bao mất mát, hy sinh, có gian khó nào mẹ chưa biết tới. Qua 2 cuộc chiến tranh, chồng, rồi con trai lần lượt hy sinh. Mẹ thành cánh cò đơn độc lặn lội nuôi con suốt quãng đời son trẻ với bao nhiêu vất vả, gian nan.
30 tuổi, mẹ một tay chăm sóc 4 con, đứa nhỏ nhất mới hơn 8 tháng. Đó cũng là thời điểm mẹ nhận hung tin chồng anh dũng hy sinh. Người phụ nữ can trường ấy mạnh mẽ bước qua những nỗi đau, làm đủ việc nhọc nhằn, vất vả để nuôi con. Cuộc sống chẳng một ngày yên ổn vì giặc luôn tới hoạnh họe và làm khó đủ điều. Có những ngày, 4 mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc khi bọn giặc cầm sẵn trên tay rơm khô và bó đuốc để đốt nhà. Nhờ người dân đứng ra bảo vệ, bọn chúng mới bỏ đi. Ông Văn Công Bên - người con thứ 5 của mẹ cho biết, ông vẫn nhớ mãi câu nói “xoa dịu” của người hàng xóm: “Nó vợ Việt Cộng, mà giờ chồng nó chết rồi, nó khổ lắm, chỉ lo làm nuôi con”.
Đó là cách những người hàng xóm bảo vệ một gia đình mẹ góa, con côi và hết lòng vì cách mạng. Vừa chăm sóc, bảo vệ con thơ khỏi nanh vuốt kẻ thù, mẹ Tràng vừa âm thầm tiếp tế cho bộ đội. Bất cứ khi nào bộ đội về, dù nhà thiếu ăn, thiếu mặc mẹ vẫn cố lo cho bộ đội một bữa cơm ngon. Lắm lúc đang lui cui chuẩn bị cơm, nghe tiếng giặc từ xa, mẹ giục các con đem hết đồ ăn, xoong nồi nhận xuống sông, kẻo giặc càn qua, phát hiện. Chúng đi khuất rồi mẹ lại lặn tìm vớt từng món đồ lên, chuẩn bị thổi lửa nấu một mâm cơm khác. Dáng mẹ nhỏ,
nhưng khuôn mặt ánh lên nét gì đó tươi vui và tin tưởng vào cuộc sống. Dáng mẹ còng gập có lẽ bởi những vất vả cuộc đời mẹ đã gánh trên vai.
“Ừ, đi thì đi điI”
Một nách 4 con nuôi tới ngày khôn lớn không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng khi con đánh tiếng tiếp bước cha lên chiến trường chống giặc, mẹ lại gật đầu ngay. Ông Bên kể, ngày đó, người anh thứ 4 của ông (liệt sĩ Văn Công A) mới 18 tuổi đã lén trốn nhà theo cách mạng. Được đôi ngày, anh trở lại nhà, xin mẹ cho đi bộ đội. Mẹ nhìn con im lặng, rồi gật đầu “ừ, đi thì đi đi”. Anh tạm biệt gia đình, không quên hứa ngày hòa bình sẽ trở về với mẹ. Vậy nhưng, được vài năm, mẹ lại nhận hung tin… con đã hy sinh trên mặt trận. Niềm đau chồng chất niềm đau, mẹ chỉ biết khóc thầm mỗi tối.
Hai tấm Huân chương do nhà nước tặng cho chồng và con của mẹ đã ố màu, nỗi niềm những ngày xưa cũng phần nào vơi bớt. Giờ đây, mẹ sống cùng vợ chồng ông Bên, được quan tâm, chăm sóc, an hưởng tuổi già. Chiến tranh lùi xa, vết thương lòng cũng tạm thời yên ngủ nhưng thỉnh thoảng mẹ vẫn nhớ về qua những câu chuyện kể cùng con cháu.
Giờ đây, niềm vui của mẹ là được nhìn thấy con cháu khỏe mạnh, an lành. Trải qua 1 thế kỷ với những đổi thay to lớn, hơn ai hết, mẹ Tràng hiểu giá trị của cuộc sống hòa bình, yên ấm, bình an. Mẹ nói rằng, mỗi ngày thức dậy với cuộc sống bình thường, khỏe mạnh bên con cháu là một điều hạnh phúc!./.
Phương Phương