Tiếng Việt | English

07/08/2019 - 10:39

Tháng bảy thiêng liêng

1. Tháng Bảy dương lịch vừa trôi qua, tháng Bảy âm lịch lại nối tiếp tạo một dòng chảy linh thiêng, đong đầy tâm thức cội nguồn. Tháng Bảy dương lịch, ta tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ bằng cả tấm lòng thành kính và tháng Bảy âm lịch, ta không chỉ tưởng nhớ đến tổ tiên mà còn mở lòng bằng sự tưởng nhớ, nguyện cầu cho các vong linh vất vưởng đâu đó. 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Hải Đăng cho thấy, trong hệ thống bài bản hát thờ Chầu mời, gồm có 5 bài: Chầu Ông, Chầu Bà, Chầu Cô, Chầu Cậu và Chầu Chiến sĩ. Chầu Chiến sĩ là tiết mục chầu hát nghi lễ thỉnh vong linh anh hùng, liệt sĩ về dự hội. Đây là một nghi thức không thể thiếu trong tổng thể các tiết mục thực hành nghi lễ của loại hình nghệ thuật Hát bóng rỗi (được xếp hạng di sản Văn hóa phi vật thể).Tại Lệ làm chay Tầm Vu (Châu Thành) có nghi thức “rước vong, rước u” tức rước cô hồn của người chết trên bộ và người chết dưới nước. Hàng năm, tới rằm tháng Bảy là ngày “xá tội vong nhân”, các chùa, tịnh xá vẫn hay tổ chức rước cô hồn chết vì tai nạn giao thông vất vưởng trên các ngả đường, đưa về nương náu nơi cửa Phật để được ấm cúng - theo tín ngưỡng tâm linh. Âu đó cũng là tính nhân đạo, nhân văn biết bao!

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Hữu Bằng

2. Trong lần hành hương dọc dài đường Hồ Chí Minh - được coi là kỳ quan của ý chí trong chiến tranh và kỳ tích trong xây dựng hòa bình - xuyên suốt Bắc Nam qua bao núi thẳm rừng sâu vùng Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung, Tây nguyên, miền Đông và miền Tây Nam bộ - người viết không khỏi bâng khuâng nhớ câu thơ Tây tiến của Quang Dũng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” và những câu thơ “Đi tìm dồng đội” dọc Trường Sơn oai linh, hùng vĩ. “Trường Sơn năm đợi tháng trông/Ngày tìm đồng đội, đêm nằm chiêm bao/Núi cao, thác lũ, mưa trào/Chúng tôi đi mãi, đất nào mộ anh?”(Đồng đội - Đinh Ngọc Du). Đó là hình ảnh các đơn vị bộ đội nhận nhiệm vụ đi tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Trường Sơn và dọc biên giới Việt - Lào. Họ trải qua biết bao hy sinh gian khổ chỉ mong tìm ra hài cốt đồng đội dù chỉ còn là một mảnh xương, một vật tùy thân bé nhỏ, vẫn vô cùng thiêng liêng để đưa về nghĩa trang liệt sĩ cho ấm lòng. Và hình ảnh bà mẹ huơ gậy đi tìm mộ con trên Trường Sơn trong thơ Phạm Đình Thái: “Bây giờ con ở đâu xa/Nắm xương không cửa không nhà mãi đi/Trường Sơn một dải xanh rì/Đất đen đất đỏ, đất gì chôn con?”.Và trong Văn tế thập nhị chúng sinh của Nguyễn Du đổ bóng lên những hình ảnh “Khi thất thế tên rơi đạn lạc/Bãi sa trường thịt nát máu rơi/Bơ vơ góc bể chân trời/Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao?”. Từ những hình ảnh bi tráng, hào hùng trên, khiến ta càng thấm thía câu nói của người xưa: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”(sự chết như sự sống, sự mất như sự còn” và “sinh ký tử qui” (sống gởi thác về). Do vậy mà người khuất ở thế giới vô hình nào đó vẫn đổ bóng dai dẳng lên tâm thức người đang sống. Những năm qua, vào mùa Vu lan, nhiều nơi tổ chức lễ cầu siêu cho anh linh chiến sĩ “vị quốc vong thân”. Với mùa Vu lan thiêng liêng trong năm đã được dân gian hóa rộng khắp, hướng mọi người đang sống đem lòng tưởng nhớ công ơn tổ tiên, báo hiếu cha mẹ và cầu siêu cho những người vị quốc vong thân. 

3. Ở phương Tây có ngày lễ Valentine khởi nguồn từ thánh Valentine - một người La Mã tử vì đạo vào năm 270. Và ngày 14/2 hàng năm là ngày tưởng nhớ Juno Februata, vợ của thần Jupiter và là nữ hoàng của các nam nữ thần La Mã, đồng thời là nữ thần cai quản phụ nữ và hôn nhân - tượng trưng cho Tình yêu - mà thành Ngày Valentine - còn gọi Ngày tình yêu.

Bên ta có ngày 07/7 âm lịch là “Ngày Ngưu Lang - Chức Nữ” mang ý nghĩa tình yêu nam nữ dở dang, không toại nguyện, bởi bà Tây Vương Mẫu của nhà trời cản trở, cấm không cho nàng tiên Chức Nữ gắn bó với chàng trai mồ côi nghèo khổ Ngưu Lang dù đôi trẻ yêu nhau tha thiết, nhưng do dòng Ngân Hà ngăn cách, khiến cho “Nước sông Tương một dải nông sờ/Cho kẻ đó người đây mong mỏi (Cao Bá Quát), hay "Sông Tương một dải nông sờ/Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia" (Kiều - Nguyễn Du). Hàng năm, Chức Nữ và Ngưu Lang chỉ được nhà trời cho bắc cầu Ô Thước qua sông Ngân Hà để vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau trong chốc lát, rồi lại phải chia tay, hẹn 07/7 năm sau tái ngộ. Cuộc chia biệt nào mà không có nước mắt. Nước mắt chàng Ngưu, nàng Chức làm nên mưa ngâu rơi xuống trần gian! 

***

Tháng Bảy, xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ và mong sao mọi con cháu đều đầy lòng hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ./.

Tùy bút của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết