Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 04:51

Thành công kép trong chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng

Thành công đó là thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – Nhật Bản, thắt chặt quan hệ Việt Nam - các nước tiểu vùng sông Mekong.

 Sáng 5/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ bẩy diễn ra tại Tokyo.

Các hoạt động ngoại giao dầy đặc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị lần này không chỉ khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp tích cực vào thành công chung của hội nghị mà còn góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản, thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước Tiểu vùng Mekong.


Lãnh đạo các nước tại hội nghị

Kết quả nổi bật nhất của Hội nghị Cấp cao Mekong -Nhật Bản lần thứ 7 là việc thông qua Chiến lược Tokyo 2015, định hướng rõ ràng hợp tác Mekong-Nhật Bản trong giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu bao trùm là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mekong.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện rõ vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam thông qua đóng góp nhiều sáng kiến xây dựng Chiến lược Tokyo, nhất là quan điểm hỗ trợ tối đa các nước tiểu vùng Mekong xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, đủ sức ứng phó với những tác động bất lợi từ bên ngoài trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; mở rộng đa tầng nấc các hoạt động hợp tác không chỉ bó hẹp giữa các cơ quan của Chính phủ mà còn khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các trường đại học và viện nghiên cứu.

Sáng kiến của Việt Nam về mở rộng kết nối Tiểu vùng Mekong cũng đã trở thành một trong 4 trụ cột hợp tác quan trọng trong Chiến lược Tokyo 2015. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: “Chúng tôi đã thông qua Chiến lược Tokyo mới 2015 nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Mekong-Nhật Bản và đạt các mục tiêu tăng trưởng toàn diện, bền vững và có tính tự cường cao ở khu vực Mekong. Để đạt được mục tiêu này, trong 3 năm tới đây Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ 750 tỷ Yen ODA cho các nước Mekong. Chúng tôi cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm và tận dụng các thế mạnh Mekong, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn trong cơ chế hợp tác này và chúng tôi sẽ xây dựng hợp tác đa tầng nấc với khu vực Mekong. Có thể nói các quốc gia Mekong có tiềm năng và tương lai phát triển rất lớn bởi tốc độ tăng trưởng cao như thời gian vừa qua và chúng tôi muốn cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng thông qua Chiến lược Tokyo 2015…”

Trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong - Nhật Bản, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương, một tài sản chung của thế giới; khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trong khu vực. Lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông làm phức tạp thêm tình hình, gây xói mòn lòng tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Những diễn biến vừa qua ở biển Đông, nhất là việc xây đắp, bồi đắp đảo đá trái với Tuyên bố DOC và luật pháp quốc tế là sự quan tâm, sự lo ngại của tất cả các nước, không chỉ đối với các nước trực tiếp liên quan có đòi hỏi chủ quyền, có tranh chấp chủ quyền mà tất cả các nước khác đều thấy rằng, đây là vấn đề lo ngại bởi vì nó làm thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng đến tuyến hàng hải lưu thông hàng hóa quan trọng hàng đầu trên thế giới hiện nay cũng như trong tuyên bố Hội nghị Mekong –Nhật Bản nêu rõ nó có thể đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Lãnh đạo các nước Nhật Bản-Mekong nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC). Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định sự cần thiết phải bảo đảm tự do an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và lưu thông thông suốt và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982…”

Cùng với các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục tham dự các hoạt động ngoại giao song phương với Nhật Bản như hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, gặp gỡ các chính giới và đối thoại với các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia của Nhật Bản.

Trong tâm thế là những người bạn thân thiết, Thủ tướng Shinzo Abe đón, hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng tình cảm chân thành trong không khí cởi mở vượt ra khỏi các nghi thức ngoại giao thông thường. Tất cả những vấn đề đặt lên bàn nghị sự đều được hai Thủ tướng ủng hộ và nhất trí cao với một mục tiêu chung làm sâu sắc hơn, thiết thực hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Nổi bật trong hợp tác kinh tế, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết cung cấp nguồn vốn ODA kỷ lục cho Việt Nam trong năm tài khóa 2015 lên tới 3 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết thêm: “Thủ tướng Shinzo Abe có tình cảm đặc biệt với Việt Nam và trong hội đàm giữa hai Thủ tướng, Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết trong năm tài khóa 2015 Nhật Bản sẽ cấp ODA cho Việt Nam ở mức kỷ lục khoảng 300 tỷ Yen, tương đương 3 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2014 và gấp 1,5 lần so với năm 2013. Đây là mức ODA kỷ lục trong một năm tài khóa với những dự án hạ tầng cơ bản, trong đó có 6 dự án lớn về hạ tầng mà chúng ta đang đầu tư mà cần tiếp tục bổ sung vốn cho phân kỳ giai đoạn đầu tư. Tôi nói ví dụ như 2 dự án cho Cảng Lạch huyện, một là dự án cầu cảng và dự án đường dẫn vào cầu đều là những dự án rất lớn. Hay dự án xử lý thoát nước cho TP Hồ Chí Minh, nơi đang bị úng ngập rất lớn hay dự án Nhiệt điện Thái Bình...Có thể nói 6 dự án lớn hạ tầng này về giao thông, cảng biển, nhiệt điện, tuyến tàu điện ngầm TP Hồ Chí Minh...”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đồng ý hợp tác nghiên cứu khả thi một đoạn đường sắt cao tốc trên tuyến đường sắt Bắc-Nam; tiếp tục hỗ trợ chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam và sớm ký Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước...

Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2 hay còn gọi là Bệnh viện Hữu nghị Việt-Nhật, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan Việt Nam.

Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam một số tàu biển để nâng cao năng lực kiểm ngư và đóng mới tàu cho cảnh sát biển Việt Nam.

Thủ tướng Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng trường Đại học Việt-Nhật; nâng cấp một số trường đại học và dạy nghề; tăng thêm học bổng và tiếp nhận nhiều hơn các điều dưỡng viên, lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các dự án xây dựng khu đô thị thông minh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phát triển khu thương mại ngầm ở khu vực nhà ga thành phố Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ nỗ lực cùng các thành viên khác sớm kết thúc đàm phán và ký Hiệp định TPP.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận định: “Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình thúc đẩy đàm phán Hiệp định TPP nói chung vì trong 12 nước thành viên tham gia đàm phán Hiệp định TPP thì Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 2 và đối với Nhật Bản có yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm công nghiệp, rồi họ có chính sách bảo hộ khá chặt chẽ với một số sản phẩm nông nghiệp. Đàm phán thành công với Nhật Bản có nghĩa rằng chúng ta đã thống nhất được với 1 trong những đối tác hàng đầu trong TPP, tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp tục đàm phán những vấn đề còn lại với các đối tác còn lại, đặc biệt là với Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất trong 12 nước thành viên TPP. Khi chúng ta kết thúc cơ bản đàm phán song phương TPP với Nhật Bản có nghĩa rằng, chúng ta có thêm tiếng nói rất quan trọng ủng hộ chúng ta trong lộ trình và nội dung mà chúng ta tiếp tục đàm phán với các nước còn lại, trong đó có Hoa Kỳ...”

Không chỉ đạt được những cam kết chính trị mạnh mẽ, những dự án hợp tác cụ thể giữa Việt Nam và Nhật bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn trực tiếp gặp gỡ và đối thoại thẳng thắn với 20 tập đoàn xuyên quốc gia của Nhật Bản.

Trên cơ sở chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ Việt Nam, các tập đoàn xuyên quốc gia của Nhật Bản cam kết mở rộng đầu tư làm ăn ở Việt Nam, từ lĩnh vực thăm dò khai thác đến chế biến dầu khí, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, đặc biệt là điện năng và công nghệ thông tin....

Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cũng nhất trí thiết lập Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng cũng như tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối cơ hội, đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà tiềm năng còn rất lớn.

Một trong những điểm tương đồng, nhất quán giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là vấn đề biển Đông.

Hai Thủ tướng đã chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà lãnh đạo Mekong - Nhật Bản cũng như của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải và hàng không, yêu cầu các bên liên quan không có những hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng ở biển Đông (COC). Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: “Tôi và Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình diễn biến phức tạp tại biển Đông gần đây, nhất là việc đơn phương thay đổi hiện trạng thông qua việc san lấp quy mô lớn và xây dựng căn cứ quân sự trên biển Đông. Tôi sẽ thúc đẩy liên kết giữa hai nước hướng đến duy trì trật tự, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên biển Đông…”.

Chuyến công du tới Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đem lại kết quả kép trong một chuyến đi. Không chỉ ghi đậm những dấu ấn quan trọng đối với tiến trình thúc đẩy hợp tác giữa Mekong và Nhật Bản, các hoạt động ngoại giao song phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thắt chặt thêm quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước Mekong và Nhật Bản, đặc biệt là góp phần hiện thực hóa sâu rộng, thiết thực và hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Nhật Bản./.

Thành Chung/VOV

Chia sẻ bài viết