Tiếng Việt | English

26/01/2021 - 14:56

Thạnh Hóa: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Thạnh Hóa là huyện thuần nông có tổng diện tích tự nhiên hơn 46.800ha. Trong quá trình chuyển đổi cây trồng đã hình thành nên những vùng chuyên canh phù hợp với lợi thế từng nơi trong huyện như vùng khóm, vùng chanh, khoai mỡ, lúa nếp,... Để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững, có sức cạnh tranh trên thị thường, huyện thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, tạo dựng thương hiệu tốt trên thị trường.

Những năm qua, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ mới, những kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Cùng với việc phát triển các mô hình hình ứng dụng công nghệ cao, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng VietGAP trên chanh không hạt, khoai mỡ  và trên 50,5ha lúa nếp ở xã Thạnh An. Đến nay, các sản phẩm như chanh không hạt của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình, khoai mỡ Bến Kè của HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Kè, mật ong của cơ sở sản xuất Quang Vinh, lúa nếp của doanh nghiệp tư nhân Đức Vạn Thành, đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, có nhãn hiệu, và được cấp mã vạch, riêng Khoai mỡ Bến Kè đã có tem truy xuất nguồn gốc.

Giới thiệu nông sản chủ lực của huyện (khóm) tại TP.HCM

Để người tiêu dùng gần xa biết đến các mặt nông sản ở Thạnh Hóa, huyện đã hỗ trợ HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Kè, Tổ hợp tác trồng khóm ở ấp 5, xã Tân Tây tham gia 4 hội chợ triễn lãm, kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm ở huyện Cần Giuộc và TP.HCM. Huyện còn đưa các HTX, chủ cơ sở sản xuất tham gia Hội chợ triển lãm “Giới thiệu sản phẩm công nghiệp - nông sản chủ lực của huyện Thạnh Hóa” do Sở Công Thương chủ trì tổ chức tại TP.Tân An.

Từ năm 2019 đến nay, huyện thực hiện chính sách hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho xã viên của HTX nông nghiệp ấp 1, xã Tân Tây và HTX nông nghiệp Tân Đông với trị giá gần 519 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm khuyến khích nông dân thực hiện tốt chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất hơn 143 ha lúa. Ngoài ra, còn tìm kiếm doanh nghiệp có uy tín giới thiệu đến ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân. Đến nay, ở huyện có hơn 500 ha lúa được các doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, so với tổng số 40.025 ha lúa ở huyện thì số diện tích được tham gia chuỗi liên kết còn rất hạn chế. Vì vậy, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại mời gọi các doanh nghiệp có uy tín đến cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu nông sản của các HTX nông nghiệp trong huyện. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 14 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 18-7-2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Hồ Phượng

Chia sẻ bài viết