Tiếng Việt | English

22/09/2020 - 10:15

'Thắp' ánh sáng cho người khiếm thị

Cũng là người khiếm thị nên hơn ai hết, ông Trần Văn Ghì (SN 1960, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà người khiếm thị trải qua. Nhiều năm qua, ông luôn đồng hành, giúp đỡ người khiếm thị trên địa bàn huyện có thêm niềm tin, hy vọng vào cuộc sống.

Người khiếm thị không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội, họ có thể lao động, tự nuôi sống bản thân

Người khiếm thị không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội, họ có thể lao động, tự nuôi sống bản thân

Vượt lên chính mình

Chúng tôi hẹn gặp ông Ghì tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của gia đình ông tại thị trấn Bến Lức. Vừa gặp ông, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là ông rất lạc quan, gương mặt tươi vui. Giọng nói hiền lành, ông bắt đầu câu chuyện đời mình. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có 5 người con, cha là liệt sĩ Trần Văn Hẩm (hy sinh năm 1968), cũng trong năm đó, mẹ ông qua đời vì bạo bệnh. Ở tuổi lên 8, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, 5 anh em sống nương tựa vào nội nhưng nội tuổi cao nên cuộc sống “bữa rau, bữa cháo”. Và rồi, nỗi đau chồng chất khi ông Ghì bị mất đi ánh sáng vĩnh viễn vào năm 14 tuổi.

Ông Ghì nhớ lại: “Cuối năm 1974, do tai nạn của chiến tranh, tôi không còn nhìn thấy ánh sáng nữa, lúc đó, tôi rất hụt hẫng, mặc cảm vì trở thành gánh gặng cho gia đình. Nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của mọi người xung quanh, tôi dần lấy lại được tinh thần”.

Năm 1988, được sự hỗ trợ của Hội Người mù tỉnh, ông bắt đầu học chữ Braille, đây được xem là bước ngoặt cuộc đời ông. Bên cạnh học chữ, ông còn học thêm bấm huyệt, xoa bóp. Năm 1996 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội Người mù huyện Bến Lức. Với vai trò này, ông tích cực giúp đỡ hội viên bằng nhiều việc làm thiết thực như dạy chữ Braille; dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt; dạy dệt chiếu, lưới; tạo điều kiện cho gia đình hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều trường hợp có nghề nghiệp ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Ông còn quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên. Hiện ông là chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử với 14 thành viên. Thỉnh thoảng, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt, giao lưu âm nhạc.

Lan tỏa yêu thương

Không dừng lại ở đó, bằng nhiều việc làm ý nghĩa khác, ông Ghì đã giúp người khiếm thị có thêm niềm tin vào cuộc sống. Anh Nhữ Quang Văn (SN 1993) tâm sự: “Tôi quê gốc ở Hưng Yên, gia đình vào Nam sinh sống từ năm 2005. Tôi bị khiếm thị bẩm sinh, mẹ bỏ đi khi tôi vừa chào đời. Tôi sống cùng ba, sau đó, ba cũng có gia đình mới. Từ nhỏ, tôi đã thiếu thốn tình cảm gia đình. Cách đây 2 năm, tôi gặp và được cô chú (vợ chồng ông Ghì) cưu mang, lo chỗ ăn, chỗ ở, dạy nghề, yêu thương tôi như con. Giờ đây, tôi hạnh phúc vì có thể kiếm được tiền, nuôi sống bản thân”.

Được thành lập năm 2013, cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của ông Trần Văn Ghì và bà Võ Thị Cẩm trở thành mái nhà che chở, cưu mang nhiều người khiếm thị. Đến đây, họ được ông bà hỗ trợ miễn phí từ chỗ ăn, ở đến dạy nghề. Ông Ghì chia sẻ: “Ngày nào còn sức khỏe là vợ chồng tôi còn làm, hy vọng những người khiếm thị như vợ chồng tôi sẽ dần xóa bỏ những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Người khiếm thị vẫn có thể sống vui vẻ, hạnh phúc, có được mái ấm như bao người. Vợ chồng tôi có 2 con, các con đều được học hành đến nơi, đến chốn”.

Nếu ánh sáng không đến từ đôi mắt thì nó sẽ đến từ trái tim, ánh sáng ấy được thắp lên bằng ý chí, nghị lực và những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà vợ chồng ông Ghì là một minh chứng./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết