Tiếng Việt | English

09/04/2018 - 08:41

Thi đua là động lực phát triển

Phát huy hào khí tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” và phong trào thi đua đánh giặc giỏi năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An luôn hăng hái, ra sức thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua phát triển rộng khắp trên các lĩnh vực, với nhiều hình thức thi đua, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống người dân.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh luôn nhất quán chủ trương lấy thi đua làm động lực để phát huy tinh thần yêu nước; đồng thời lấy lòng yêu nước để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của công tác thi đua. Phong trào thi đua công tác, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiều việc tốt,... được nhiều người tích cực hưởng ứng, bởi ai cũng nhận thức được lợi ích của thi đua: "Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước và cho dân tộc".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Thi đua là phải toàn dân, toàn diện", "Người người thi đua. Ngành ngành thi đua. Ngày ngày thi đua", nên phong trào thi đua trong tỉnh nở rộ, lan tỏa ở các lĩnh vực, phong trào.

Những năm qua, phong trào thi đua phát triển KT-XH thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức,... Từ phong trào này, các chỉ tiêu, nghị quyết, nhiệm vụ được địa phương, đơn vị cụ thể hóa, tập trung thực hiện, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng hành phát triển KT-XH là phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, với điểm nhấn là khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Nhân dân đồng thuận đóng góp tiền, đất, vật kiến trúc, ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tích cực xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Sau gần 7 năm xây dựng, toàn tỉnh phấn khởi có 66 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo,...

Tâm điểm của các phong trào thi đua chính là yếu tố con người, “Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Do vậy, chuyên đề Học tập và làm theo gương Bác có ý nghĩa rất quan trọng. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong tỉnh xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, những gương điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực. Chính họ là hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Và từ các cống hiến, đóng góp của các điển hình đã nâng chất các phong trào, tác động thuận lợi đến nhiệm vụ phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng.

Hiện thực cuộc sống sinh động với nhiều nhiệm vụ đang đặt ra cho tất cả mọi ngành, mọi người, mọi nhà. Ở đâu và làm bất cứ việc gì cũng đòi hỏi phải thi đua. Chính thi đua là động lực để chúng ta vươn tới những mục tiêu, ước mơ tốt đẹp./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết