Tiếng Việt | English

15/11/2016 - 16:04

Thi đua phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đóng vai trò quan trọng, là chìa khóa, động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Do đó, phát triển sự nghiệp GD&ĐT được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt.


Học sinh Trường Tiểu học Mai Thị Non (huyện Bến Lức) trong giờ ra chơi

Giáo dục toàn diện

Những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Long An nhà tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành GD quan tâm GD toàn diện, GD đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh (HS), tăng cường GD về pháp luật. Ngành thực hiện tốt chủ trương đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học; tích hợp giảng dạy các bộ môn văn hóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”.

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tăng về số lượng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học đạt 99,98%; số lượng cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng không ngừng tăng lên. Trong đó, cán bộ quản lý trường phổ thông được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý GD đạt trên 68%.

Bên cạnh đó, ngành GD tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 657 trường từ mầm non đến phổ thông, trong đó có 635 trường công lập và 22 trường tư thục (gồm 16 trường mầm non và 6 trường THPT); 179 trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới, chiếm 27,3%. Công tác phổ cập GD các bậc học ngày càng hiệu quả.

Thời gian qua, ngành thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa GD, nhất là các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Trong giai đoạn 2012-2015, nguồn vốn xã hội hóa GD được hơn 102 tỉ đồng, chiếm 14,25% so với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trường học tại các địa phương.

Trong năm học 2015-2016, Sở GD&ĐT phối hợp Hội Khuyến học các cấp trao học bổng cho HS giỏi, xuất sắc, HS nghèo hiếu học, HS có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị trên 10 tỉ đồng. GD tại các huyện vùng sâu, vùng biên giới có bước phát triển; HS, sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo được hỗ trợ. Từ đó, tạo điều kiện cho các em được học tập, góp phần thực hiện công bằng trong hưởng thụ GD. Tiêu biểu như mô hình trường học xanh-sạch-đẹp, lớp học thân thiện; mô hình đội, nhóm tự quản trong HS của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ,... Qua đó, giúp các chi đoàn lớp học hình thành đội tự quản nhằm kịp thời phát hiện, động viên HS tránh được tác động tiêu cực của trò chơi trực tuyến, tệ nạn xã hội.


Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp (bìa trái, hàng đầu) tặng giấy khen cho em Nguyễn Thị Yến Việt

5 năm qua, ngành GD&ĐT có 52 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 82 tập thể và cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 52 tập thể được vinh dự nhận cờ thi đua của Chính phủ.

Những điển hình tiêu biểu

Trường Tiểu học Mai Thị Non, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức hiện có hơn 1.100 HS với 30 lớp và dạy bán trú 100%. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn trong công tác giảng dạy, trường còn chú trọng đến giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho HS. Không những vậy, trường còn rèn chữ viết, tuyên dương những em học tốt. Đối với những HS chưa ngoan, giáo viên trực tiếp gặp gỡ và chỉ dạy các em. Ngoài ra, trường còn làm tốt về xây dựng bếp ăn tập thể nhằm bảo đảm sức khỏe của HS, đem đến sự hài lòng cho phụ huynh.

Có được những thành tích đó, ngoài sự quan tâm của đội ngũ giáo viên còn có vai trò lãnh đạo của người đứng đầu. Cô Nguyễn Thị Cầm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Thị Non (huyện Bến Lức) là một trong những người có nhiều tâm huyết. Cô chia sẻ: “Với HS tiểu học, giáo viên vừa là người thầy, vừa là người thân để các em cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện trong những giờ lên lớp. Trường nhận được sự quan tâm của ngành trong việc đầu tư cơ sở vật chất giúp trường đạt chuẩn mức độ 1 sớm và mức độ 2 vào năm 2013. Riêng bản thân tôi được tạo điều kiện trong học tập, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và công tác quản lý”. Với những cố gắng đó, bản thân cô Cầm nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, bằng khen UBND tỉnh và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2008.

Nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ, không ngừng vươn lên trong học tập. Đó là em Nguyễn Thị Yến Việt, cựu HS Trường THPT Kiến Tường (thị xã Kiến Tường), hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Hoàn cảnh của Yến Việt khiến ai cũng xót xa. Ba mất trong một lần bị tai nạn giao thông, gia đình không có đất sản xuất, cả 4 thành viên sống dựa vào số tiền làm mướn của mẹ em. Người anh trai duy nhất của Yến Việt bị liệt, nằm một chỗ hơn 20 năm nay. Sinh hoạt của anh phải do Yến Việt và đứa em út phụ giúp.

Cách đây gần 2 năm, mẹ em không may bị tai nạn giao thông, sức khỏe giảm sút. Yến Việt từng có ý định nghỉ học để phụ giúp gia đình nhưng được sự động viên của thầy cô, Hội Khuyến học, chính quyền địa phương, em cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục học tập. Mới đây, Yến Việt vinh dự là 1 trong 100 HS toàn tỉnh được Hội Khuyến học, Sở GD&ĐT tuyên dương những HS có điểm xét tốt nghiệp cao và đậu đại học. Yến Việt chia sẻ: “Em cảm thấy mình may mắn khi nhận được sự quan tâm của các thầy cô và chính quyền. Em mong nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ để tiếp tục việc học. Em hứa phấn đấu học giỏi, sau này đỡ đần cho mẹ”.

Đó còn là các em có thành tích học tập xuất sắc như Đoàn Quỳnh Hương, cựu HS Trường THPT Chuyên Long An (hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Ngoại thương TP.HCM); Đỗ Thị Trà My, lớp 11A1, Trường THPT Chuyên Long An; Huỳnh Nguyễn Thúy Diễm, cựu HS Trường THPT Rạch Kiến đoạt giải nhất cuộc thi “Đường đến vinh quang”;...

Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp cho biết, phát huy kết quả những năm học trước, năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp từ cơ sở GD mầm non đến bậc phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết