Tiếng Việt | English

11/06/2021 - 14:50

Thích nghi trong mùa dịch

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh Long An, các cửa hàng không thiết yếu tạm đóng cửa, dịch vụ ăn uống được bán mang về. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng các chủ hộ kinh doanh vẫn chấp hành nghiêm và linh hoạt trong việc buôn bán để có nguồn thu trong thời gian dịch bệnh.

Từ khi dịch bùng phát gần đây, Coffee & Tea Sophia không nhận khách tại chỗ, chỉ bán mang về hoặc nhận ship miễn phí đến tận nhà cho khách (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Từ khi dịch bùng phát gần đây, Coffee & Tea Sophia không nhận khách tại chỗ, chỉ bán mang về hoặc nhận ship miễn phí đến tận nhà cho khách (Ảnh: nhân vật cung cấp)

1. Những ngày này, dù quán đóng cửa, không nhận khách tại chỗ nhưng mỗi ngày, anh Đoàn Hồng Quân vẫn dành  thời gian chăm sóc cây cảnh, quét dọn, chỉnh trang lại từng góc quán. Coffee & Tea Sophia là quán cà phê nhỏ quen thuộc của nhiều bạn trẻ ở thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ. Các bạn trẻ thường đến ngồi hàng giờ để trò chuyện cùng nhau, nghe nhạc hoặc ngắm nhìn những góc không gian xinh xắn tại đây. Quán cũng thường được chọn làm nơi học nhóm của nhiều cô cậu học trò.

Gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, quán không nhận khách tại chỗ, chỉ bán mang về hoặc giao hàng (ship) miễn phí đến tận nhà cho khách. Anh Đoàn Hồng Quân - chủ quán Coffee & Tea Sophia cho biết, quán chuyển sang bán mang về từ trước khi UBND tỉnh có văn bản yêu cầu một số địa phương thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ như một cách bảo đảm an toàn cho bản thân và chung tay phòng, chống dịch. Những ngày này, doanh thu của quán có giảm nhưng trong mùa dịch, anh chỉ mong việc kinh doanh đủ chi phí trả tiền mặt bằng và lương cho nhân viên. Anh xem nhân viên như người thân trong gia đình. Mùa dịch, kinh tế khó khăn, anh không muốn nhân viên phải nghỉ và mất nguồn thu nhập. Bởi vậy, anh cố gắng giữ nhân viên lại làm việc và thu hút khách hàng bằng phương thức giao hàng miễn phí tận nơi.

Một ly cũng ship, đôi khi, anh Quân còn đi chợ giúp khách đang thực hiện cách ly tại nhà. Anh kể: “Bạn đang cách ly 14 ngày nên không ra ngoài được. Do đó, bạn nhờ mua gì thì nhắn tin cho tôi, rồi để sẵn tiền ở cổng. Khi tôi đi ship thức uống, tiện đường sẽ mua giúp bạn, treo ở cổng nhà và gọi bạn ra lấy. Những lúc đi ra ngoài như vậy, tôi đều mang khẩu trang, mắt kính và xịt dung dịch sát khuẩn. Tôi làm vậy như một cách tri ân khách hàng, mong dịch bệnh mau qua để cuộc sống trở lại bình thường.

Chị Lê Thị Tường Oanh đẩy mạnh việc bán quần áo qua các trang thương mại điện tử và Facebook trong lúc dịch bệnh (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Quán trà chanh 3Bi của chị Ngọc Linh vừa mở bán mang về, ship tận nhà cho khách khi UBND tỉnh có văn bản cho phép (Trong ảnh: Trà chanh chị Linh chuẩn bị cho khách mua mang về) (Ảnh: nhân vật cung cấp)

2. Chị Châu Thị Ngọc Linh - chủ quán trà chanh 3Bi ở phường 6, TP.Tân An, cho biết, quán đóng cửa từ khi UBND tỉnh yêu cầu thành phố thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và vừa mở bán mang về, ship tận nhà cho khách khi UBND tỉnh có văn bản cho phép.

Chị Linh cho biết, vì dịch bệnh nên việc kinh doanh gặp không ít khó khăn. “Trong giai đoạn này, doanh thu của quán giảm nhiều nên tôi bán thêm bánh để cải thiện thu nhập. Mọi người cùng cố gắng để dịch bệnh được kiểm soát và cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường” - chị Linh nói. Kinh doanh dịch vụ ăn uống nên chị Linh chú trọng vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như phòng dịch. Chị cho biết: “Quán của tôi phục vụ trà chanh và các món ăn nhẹ: Gà rán, khoai tây chiên, xúc xích,… Mỗi khi chế biến món ăn hay làm bánh, tôi luôn mang bao tay, tạp dề và khẩu trang để mang đến cho khách hàng sản phẩm an toàn nhất, góp phần giữ chân khách hàng qua giai đoạn khó khăn này”.

Chị Lê Thị Tường Oanh đẩy mạnh việc bán quần áo qua các trang thương mại điện tử và Facebook trong lúc dịch bệnh (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Chị Lê Thị Tường Oanh đẩy mạnh việc bán quần áo qua các trang thương mại điện tử và Facebook trong lúc dịch bệnh (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Không chỉ các dịch vụ ăn uống mà các dịch vụ khác cũng đẩy mạnh kinh doanh online để tránh tụ tập đông người. Chị Lê Thị Tường Oanh - chủ quán cơm chay Diệu Hiền và shop quần áo 1995 House tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, cho biết, quán cơm của chị chuyển sang bán mang về từ khi nhận được thông báo của chính quyền, còn shop quần áo đóng cửa. Chị đẩy mạnh bán hàng qua các trang thương mại điện tử và Facebook.

Để bán hàng online, chị Oanh trang bị môt số phụ kiện để chụp ảnh sản phẩm. Thời gian này, tiệm cơm chỉ bán mang về, số lượng bán cũng ít hơn nên chị có nhiều thời gian chụp ảnh sản phẩm phục vụ việc bán quần áo online. Nhờ vậy, việc kinh doanh shop quần áo của chị không gặp quá nhiều khó khăn.

Chị Oanh chia sẻ: “Tôi đang ấp ủ dự định mở rộng cửa hàng quần áo để khách đến lựa thoải mái hơn. Mùa dịch này, tôi tập trung chuẩn bị, qua dịch sẽ lên kế hoạch mở rộng, chỉnh trang lại cửa hàng để đón khách”.

Thời điểm này, dọc các con phố, hầu hết cửa hàng đều đóng cửa. Không khí đông vui, nhộn nhịp của phố xá mỗi sáng, chiều cũng không còn như trước nữa. Mặc dù kinh tế bị ảnh hưởng, cuộc sống khó khăn hơn nhưng mỗi người dân đều rất đồng tình thực hiện nghiêm quy định phòng dịch. Các chủ cửa hàng, mỗi người một cách để duy trì việc kinh doanh của mình trên nguyên tắc phòng dịch và bảo đảm sức khỏe. Mong rằng, với sự chung tay, nỗ lực của mọi người, dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi và cuộc sống trở lại bình thường như trước./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết