Tiếng Việt | English

08/05/2016 - 09:14

Thợ lặn kể về đáy biển “chết”

Sau khi ngâm mình dưới đáy biển, 2 thợ lặn Quảng Bình phát hiện không chỉ cá mà nhiều rạn san hô cùng hàng chục loại hải sản như hải sâm, vẹm, sò, hàu… cũng chết, thối rữa dưới đáy biển.

Sáng 7-5, đoàn công tác của Trung tâm Điều tra Tài nguyên - Môi trường biển (MGMC) thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) cùng nhóm thợ lặn ở Nha Trang (Khánh Hòa) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Bình đã có chuyến khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân cá chết xếp lớp dưới đáy biển ở vùng biển cách cửa sông Nhật Lệ (TP Đồng Hới) khoảng 3 hải lý.

Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, thuyền của đoàn công tác đã đến khu vực cá chết để thả neo và trang bị thiết bị, dụng cụ phục vụ cho thợ lặn xuống tầng đáy kiểm tra. Tất cả phóng viên các báo, đài đã không được tham gia cùng đoàn khảo sát mà phải ở lại trên bờ.


Các thợ lặn vớt san hô, hải sản chết dưới đáy biển

Trong khi đó, chúng tôi cùng một số phóng viên khác may mắn theo thuyền của 2 thợ lặn có tiếng ở Quảng Bình là “kình ngư” Lê Xuân Hòa (36 tuổi) và Phạm Văn Trị (37 tuổi) để đến “vùng biển chết”. Ngay khi trang bị dụng cụ và các vật dụng cần thiết, 2 “kình ngư” Hòa và Trị lập tức lặn xuống biển để ghi nhận tình hình. Khoảng 30 phút ngâm mình dưới đáy biển, “chiến lợi phẩm” mà 2 “kình ngư” Hòa và Trị vớt lên được là những rạn san hô đổi màu hồng thành trắng, từng con hải sâm, vẹm, sò, hàu… chết và đang trong quá trình phân hủy.

Theo quan sát của 2 thợ lặn này, phía dưới đáy chỉ còn thấy xác chết của hải sản, các rạn san hô nằm lăn lóc và đang chuyển từ màu hồng sang trắng, riêng xác tôm cá không còn nhìn thấy. Nước ở dưới tầng đáy cũng đen kịt và bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Hệ sinh thái ở “vùng biển chết” này gần như bị phá hủy. Vừa lên khỏi mặt nước, 2 thợ lặn vội vàng vào khoang thuyền tắm nước ngọt và thay quần áo vì sợ nguồn nước biển độc hại ngấm vào người.


San hô và các loại hải sâm, vẹm, sò, hàu bị chết được đưa lên thuyền

Cũng trong ngày 7-5, tiếp xúc với nhiều ngư dân xã Quang Phú, họ cho rằng vùng biển này thực sự đã chết. “Tôi làm nghề lặn đã hơn 30 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy hiện tượng cá chết trắng biển như thế này” - một ngư dân xót xa.

Theo các ngư dân xã Quang Phú, vùng biển của địa phương trước đây từng là nguồn cung cấp tôm cá, hải sản cho ngư dân có cuộc sống no ấm nhưng giờ từng đàn tôm cá, hải sản đã chết la liệt, nằm xếp tầng dưới đáy biển.

Mức độ tàn phá đáy biển mà theo ghi nhận của thợ lặn, không loại trừ do chất độc hại từ các nguồn xả thải gây ra. Tuy thế, trong quá trình tác nghiệp làm rõ việc hệ trọng này, thuyền của các phóng viên đã bị đoàn công tác trên yêu cầu quay vào bờ.

Hoàn tất kiểm tra môi trường tại Vũng Áng

Thông tin từ thành viên đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường tại các dự án thuộc Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) do Bộ TN-MT chủ trì, cho biết công tác kiểm tra đã hoàn tất vào ngày 7-5. Cùng ngày, lãnh đạo đoàn liên ngành đã họp và đến trụ sở nhà máy thép Formosa để chốt và ký biên bản kết quả làm việc. Nguồn tin cũng cho biết trưởng đoàn thanh tra liên ngành đang tiếp tục tổng hợp thông tin trước khi có báo cáo chính thức.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã quyết định thành lập đoàn liên ngành do Bộ TN-MT chủ trì kiểm tra tổng thể công tác bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu Kinh tế Vũng Áng. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu Kinh tế Vũng Áng với 6 tổ công tác làm việc từ ngày 4 đến ngày 7-5.

Th.Dương

Hoàng Phúc/Người lao động

Chia sẻ bài viết