Tiếng Việt | English

16/12/2015 - 10:57

Thoát nghèo nhờ tổ hợp tác

Tổ hợp tác trồng mè tại ấp 3, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đã giúp nhiều người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhiều hộ vươn lên khá.

Những chiếc máy tự chế của gia đình bà Hồ Thị Ký giúp các tổ viên giảm chí phí, tăng hiệu quả sản xuất

Trước đây, người dân ấp 3 thường làm 3 vụ lúa/năm nhưng vụ 3 không hiệu quả, thậm chí còn bị thua lỗ. Sản xuất vụ 3 còn làm cho đất mất nhiều dinh dưỡng, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất của 2 vụ lúa chính trong năm. Vì vậy, xen canh một loại cây trồng khác là nhu cầu thiết thực. Và từ năm 2010, cây mè đã “bén duyên” với vùng đất Hưng Điền A này.

Lúc mới về với vùng đất này, cây mè cho tín hiệu tích cực nhưng tình trạng sản xuất riêng lẻ làm cho nhiều nông dân gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm cũng như đầu tư các chi phí ban đầu. Do đó, bà Hồ Thị Ký (hiện là tổ trưởng tổ hợp tác) đã khởi xướng việc thành lập tổ hợp tác trồng mè.

Ban đầu, tổ chỉ có 8 thành viên nhưng đến nay đã tăng lên 17 thành viên, với diện tích sản xuất khoảng 80ha. Bà Ký là người cung cấp mè giống bảo đảm chất lượng, việc thu hoạch cũng được bà và một số tổ viên phụ trách. Ngoài ra, bà cùng con trai tự chế một số máy móc phục vụ việc gieo sạ và thu hoạch mè như: Máy suốt mè, máy sạ hàng, máy cắt, máy phóng mè,... Nhờ vậy, chi phí thu hoạch thấp. Mỗi vụ mè, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân còn lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.

Cây đậu xanh hứa hẹn là một “luồng gió mới” cho tổ hợp tác

Anh Trần Văn Út Đen, thành viên tổ hợp tác trồng mè, vui vẻ nói: “Với 5 công đất chỉ sản xuất lúa, trước đây, lúc nào gia đình tôi cũng thiếu trước hụt sau và là hộ nghèo của xã. Từ khi tham gia tổ hợp tác, gia đình tôi thuê thêm 4ha đất để trồng mè. Những năm qua, thu nhập từ cây mè luôn ổn định, nhờ vậy, gia đình đã thoát được cái nghèo”.

Bà Hồ Thị Ký chia sẻ: “Việc trồng mè hàng loạt tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân. Không những có thể nhận được nhiều hợp đồng cung cấp vật tư nông nghiệp theo hình thức hỗ trợ ban đầu và thanh toán lúc cuối mùa vụ mà còn giúp các thành viên có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Từ đó, nông dân dễ tìm được nơi tiêu thụ và không bị ép giá trong trường hợp không ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, việc chuyển sang trồng mè còn tạo điều kiện cho nhiều lao động tại địa phương có việc làm”.

“Hiện nay, tôi đang thử nghiệm mô hình trồng cây đậu xanh song song với cây mè. Với diện tích 1.000m2, tôi thu hoạch được trên 100kg đậu. Bước đầu đạt hiệu quả như mong đợi, chỉ cần tìm được đầu ra cho sản phẩm thì việc trồng đậu xanh có thể nhân rộng ra cho các tổ viên khác” - bà Ký chia sẻ thêm.

Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Điền A – Phạm Minh Phụng cho biết: “Tổ hợp tác trồng mè tại ấp 3 đem lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ thoát nghèo vươn lên hộ khá. Thời gian qua, mô hình tổ hợp tác được nhân ra một số ấp để người dân áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất”./.

Lực Nguyễn
 

 

Chia sẻ bài viết