Tiếng Việt | English

21/01/2023 - 15:30

Thông tin về đột quỵ và điều trị tái thông

Đột quỵ là 1 trong 3 nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại Việt Nam với khoảng 200.000 người mắc mới mỗi năm và đứng hàng đầu về tỷ lệ di chứng sau điều trị. Hiện nay, đột quỵ không chỉ gặp ở người cao tuổi hoặc mang bệnh nền mà dần trẻ hóa. Đột quỵ thường đến bất chợt và để lại những hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Hiện nhiều bệnh viện ở Việt Nam và các trung tâm lớn gần như làm được các kỹ thuật điều trị mới nhất như các nước phát triển. Tuy nhiên, có thể nói, rào cản lớn nhất trong điều trị người bệnh đột quỵ vẫn là tỷ lệ người bị đột quỵ đến bệnh viện cấp cứu sớm, kịp thời trong “thời gian vàng” còn rất thấp.

Bệnh nhân đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa Long An điều trị thuốc tiêu sợi huyết, tay, chân trái hồi phục gần như hoàn toàn, bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn định

Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng trong việc nhận biết, xử trí và điều trị đột quỵ cấp, Bệnh viện Đa khoa Long An chia sẻ về chủ đề “Cập nhật kiến thức về đột quỵ cho cộng đồng”.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là bệnh của não, trong đó, mạch máu não đột ngột bị tổn thương làm một vùng não bị hư hỏng, gây mất chức năng não, biểu hiện méo miệng, liệt tay, chân, rối loạn lời nói, hôn mê,... nặng nhất là tử vong. Có 2 loại đột quỵ: Xuất huyết não (do vỡ mạch máu não) và thiếu máu não cục bộ (do tắc mạch máu não). Loại đột quỵ hay gặp và chữa được trong giờ vàng là đột quỵ thiếu máu não cấp.

Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ:

Người bị đột quỵ thường có các biểu hiện (BE FAST):

- Méo mặt, cảm giác tê cứng nửa mặt hoặc 1/4 mặt dưới.

- Tê mỏi tay hoặc chân một bên khiến thao tác trở nên vụng về, dễ bị té ngã, đánh rơi đồ vật khi cầm nắm.

- Giọng nói đớ do môi, lưỡi bị tê cứng, phát âm méo mó.

- Than nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt, mắt mờ hoặc chậm hiểu bất thường.

Cách xử trí tại nhà:

Khi phát hiện người thân có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:

- Đỡ bệnh nhân để không bị té ngã gây chấn thương.

- Để bệnh nhân nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đàm, nhớt để người bệnh dễ thở.

- Không nhét gì vào miệng của bệnh nhân khi co giật vì có thể gây tổn thương lưỡi và răng. Do đó, khi co giật, chỉ cần giữ cho bệnh nhân không té ngã và va đập các vật xung quanh.

- Gọi xe đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, càng nhanh càng tốt.

- Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác hay nặn chanh, chích vào các đầu ngón tay.

- Nếu bệnh nhân hôn mê, ngừng thở, phải tiến hành hô hấp nhân tạo.

Tại sao phải điều trị khẩn cấp trong giờ vàng?

Vùng não bị thiếu máu nuôi do tắc mạch máu sẽ nhanh chóng chết đi nếu không được cấp máu trở lại kịp thời. Nếu thông mạch lại sớm, vùng lõi là vùng não đã chết sẽ nhỏ hoặc thậm chí không có, nhưng nếu thông mạch càng trễ hoặc không thông được thì vùng lõi não chết sẽ càng lớn. Thời gian tốt nhất để thông được mạch máu là trong vòng 4,5 giờ (càng sớm càng tốt) kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Quá thời gian này, gần như không điều trị thông mạch được nữa.

Điều trị cấp cứu bằng thuốc tiêu huyết khối alteplase (rtPA) chích tĩnh mạch là thế nào?

Thuốc này làm tan cục máu đông đang làm tắc mạch máu để đưa máu trở lên cứu não. Việc dùng thuốc tiêu huyết khối này phải khởi đầu càng sớm càng tốt, tới muộn nhất là 4,5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng (sau giờ này chỉ có thể thông mạch bằng phương pháp luồn dụng cụ lấy huyết khối). Do đó, bệnh nhân đột quỵ phải được đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Bác sĩ sau khi nhận bệnh cũng phải làm việc thật nhanh chóng, bao gồm khám, làm xét nghiệm, chụp hình cắt lớp (thường là CT, đôi khi là MRI) não, đánh giá các chống chỉ định (không được dùng thuốc) và quyết định dùng thuốc. Một số bệnh nhân được hoặc không được dùng thuốc Alteplase sẽ được xem xét dùng phương pháp can thiệp nội mạch để lấy huyết khối.

Bệnh viện Đa khoa Long An đã triển khai đơn vị đột quỵ, tiêu sợi huyết từ ngày 01/9/2022./.

L.A

Chia sẻ bài viết