Tiếng Việt | English

13/06/2019 - 11:31

Thu hút đầu tư chợ còn gặp khó

Thời gian qua, hệ thống chợ rải khắp trên địa bàn tỉnh cả ở vùng nông thôn lẫn thành thị. Tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới chợ chiếm số nhiều trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội. Tuy vậy, chợ hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng việc thu hút đầu tư chợ trên địa bàn tỉnh đang gặp khó.

Các chợ hoạt động tương đối ổn định, hàng hóa được bày bán đa dạng, mẫu mã phong phú, góp phần phát triển hệ thống thương mại của tỉnh

Theo thông tin từ Sở Công Thương Long An, đến tháng 5/2019, trên địa bàn tỉnh có 133 chợ (2 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 119 chợ hạng III), trong đó có 107 chợ nông thôn. Các chợ hoạt động tương đối ổn định, hàng hóa được bày bán đa dạng, mẫu mã phong phú, góp phần phát triển hệ thống thương mại của tỉnh. Hàng năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đều tăng trưởng khá ổn định.

Tuy vậy, công tác quy hoạch chợ ở các xã, thị trấn một số nơi, nhất là khu vực đông dân cư, công nhân chưa được triển khai tốt; một số nơi còn hình thành chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm lẫn an toàn giao thông. Bên cạnh đó, hạ tầng của chợ còn nhiều hạn chế, hệ thống phụ trợ cho chợ như phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, nước thải hầu như chưa có. Trước thực trạng trên, tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng mạng lưới chợ bảo đảm nhu cầu mua bán của người dân. Đặc biệt là phải bảo đảm an toàn giao thông, an ninh, trật tự, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường theo tiêu chí nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu trên, năm 2018, Sở Công Thương và các ngành mời gọi 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng các chợ trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm trật tự và môi trường tại các chợ, từng bước xóa các chợ tự phát. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng chợ, nhà đầu tư gặp không ít khó khăn trong việc thuê đất công đầu tư chợ.

Cụ thể như, Công ty TNHH Giao Thương Việt đã được UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm đầu tư xây dựng chợ Long Hậu với diện tích 3.817m2, thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Việc xây dựng chợ tại đây nhằm bố trí các hộ kinh doanh mua bán tự phát tại cổng chào Khu công nghiệp Long Hậu vào mua bán trật tự hơn. Theo đó, công ty đã đầu tư hoàn thiện nhà lồng chợ Long Hậu từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác kinh doanh do thủ tục thuê đất. 2 năm qua, nhà đầu tư chợ chưa thể bố trí các tiểu thương vào mua bán và thu hồi vốn đầu tư. Trong khi đó, hàng tháng, công ty phải chi trả rất nhiều khoản tiền như thuê duy tu công trình nhà lồng chợ, lãi vay ngân hàng.

Theo quy định hiện nay, việc đầu tư chợ theo hình thức xã hội hóa thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật về quản lý, sử dụng tài sản công,... nhưng chưa có cơ chế ưu đãi về đất đai, giá cho thuê quyền sử dụng đất đầu tư chợ, nhất là chợ nông thôn. Căn cứ khoản 1, Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, dự án chợ thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất theo điểm b, khoản 2, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013. Cũng theo khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư, dự án đầu tư chợ theo hình thức xã hội hóa thuộc đất công tại các địa phương không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Chợ Long Hậu được xây dựng 2 năm qua nhưng nhà đầu tư chợ chưa thể bố trí tiểu thương vào mua bán và thu hồi vốn đầu tư

Ngoài ra, khi tiến hành xây dựng chợ theo hình thức xã hội hóa, thủ tục còn rườm rà và tốn nhiều thời gian. Hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, UBND huyện thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP, ngày 04/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Đối với tài sản trên đất chợ thuộc đất công (nếu có) xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Dự án đầu tư “công trình thương mại và dịch vụ” thuộc đối tượng áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 1 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Trong khi đó, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, tại Phụ lục II Địa bàn ưu đãi đầu tư thì các huyện: Đức Huệ, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; thị xã Kiến Tường, các huyện Tân Thạnh, Đức Hòa, Thạnh Hóa thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, chính nhiều thủ tục rườm rà, chưa thông thoáng nên hiện nay công tác xã hội hóa đầu tư chợ trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn (đấu thầu chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền thuê đất). Trong khi đó, nhiều chợ, nhất là chợ nông thôn hiệu quả thấp, nhiều chợ xuống cấp không đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh, tình trạng chợ tự phát khó khắc phục (ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự, an toàn giao thông,...). Vì vậy, sở kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có cơ chế thông thoáng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chợ./.

Mai Hương

 

Chia sẻ bài viết