Tiếng Việt | English

11/08/2022 - 09:32

Thu nhập 30 triệu đồng/tháng với nghề trồng và bán sương sâm

Đến xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, hỏi sương sâm cô Sáu Tròn thì nhiều người biết. Cả xã chỉ có mỗi gia đình cô Sáu trồng và bán sương sâm. Theo hướng dẫn của người địa phương, chúng tôi tìm được nhà cô Sáu Tròn ở khu vực cống Tư Ga, ấp Nhơn Hòa 1. Chỗ bán sương sâm chỉ là sạp nhỏ nép dưới bóng cây bên đường trước cửa nhà cô. Không bảng hiệu, không quá nổi bật nhưng chừng 5 phút là có khách ghé mua.

Vườn sương sâm được làm giàn bằng dây, treo thẳng từ gốc lên cao

Cô Nguyễn Thị Tròn - chủ hộ kinh doanh sương sâm Cô Sáu Tròn, kể: “Tôi trồng sương sâm tới nay đã hơn 20 năm. Lúc trước, tôi làm ruộng nhưng từ khi chuyển nhà thì trồng sương sâm cho tới bây giờ. Nhà có được khoảng 2.000m2 đất, tôi trồng sương sâm, nhờ vậy, gia đình có nguồn thu nhập ổn định”. Vườn sương sâm nhà cô Sáu xanh mướt, được trồng theo hàng, làm giàn bằng dây treo thẳng từ gốc lên, vừa tạo không gian cho sương sâm leo, vừa giúp vườn được thoáng mát, thu hái dễ dàng. Theo cô Sáu, sương sâm là loại cây dễ trồng, không cần phân bón hay thuốc trừ sâu. Một năm đôi lần, cô bón phân hữu cơ cho cây là có thể thu hoạch lá mỗi ngày. Khoảng một vài năm thì cây già cỗi, cần thay bằng lứa sương sâm mới. Cứ như vậy, sương sâm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình cô suốt mấy mươi năm qua.

Gia đình cô vừa bán thành phẩm sương sâm tại nhà, vừa cung cấp lá cho các hộ buôn bán khác. Mỗi ngày, cô thức dậy từ 4 giờ, nấu nước cốt dừa để khách ăn cùng sương sâm, tăng thêm hương vị. Nước cốt được làm từ dừa khô và phải làm vào sáng sớm vì cô không dùng nước cốt để qua đêm. Chuẩn bị xong, cô dọn hàng ra trước nhà rồi đi hái lá sương sâm trong vườn. Lá sương sâm cần được hái sớm, tranh thủ lúc nắng phơi héo trước khi vò. Theo cô Sáu, lá sương sâm phơi héo mới có thể vò được nhiều sâm và chất lượng sâm cũng ngon hơn. Lá sương sâm hái xong được rửa kỹ trước khi phơi.

Sương sâm ngon hay không tùy thuộc vào công đoạn vò lá. Dựa vào độ héo của lá, thời tiết nắng hay mưa, người vò lá sâm cân chỉnh lượng nước cho phù hợp để sâm không quá đặc, không quá lỏng và vẫn giữ được độ dai, không bị bở. Sâm sau khi vò vẫn ở dạng nước, được bảo quản lạnh ở nhiệt độ thích hợp. Sau 1 đêm, sương sâm đông lại, có mùi thơm nhẹ đặc trưng, mềm, dai và mát.

Chỗ bán sương sâm của cô Sáu Tròn nép dưới bóng cây bên đường ở khu vực cống Tư Ga, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa

Giữa ngày nắng, có một ly sương sâm mát, thêm ít nước cốt dừa béo ngọt và chút đường trắng vừa giải khát, vừa tốt cho sức khỏe. Miếng sương sâm khi đưa vào miệng mang lại cảm giác mát cùng chút hương thơm của lá, kèm theo đó là vị ngọt của đường, béo của nước cốt dừa. Tất cả hòa quyện lại thành vị ngon đặc biệt của thức ăn vặt dân dã. Chẳng vì thế mà hàng sương sâm của cô Sáu luôn được lòng thực khách suốt hơn 20 năm.

Mỗi ly sương sâm cô Sáu bán với giá 5.000 đồng. Mỗi ngày, cô bán lẻ được khoảng 500-600 ly. Ngoài ra, cô còn có nguồn thu từ việc bán lá sương sâm với mức giá 50.000-70.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Trung bình thu nhập từ việc bán sương sâm và bán lá sương sâm của cô Sáu khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Thời gian gần đây, cô Sáu làm hồ sơ đăng ký sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đây được xem là một bước tiến quan trọng bởi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP buộc phải đạt nhiều tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng và các yêu cầu khác về sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị của sản phẩm,...

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích