Tiếng Việt | English

22/10/2018 - 10:56

Thủ Thừa: Đồng bào Khmer cải thiện cuộc sống

Về lại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An - nơi đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nay có nhiều đổi thay. Những căn nhà cấp 4 kiên cố được mọc lên, đường giao thông nông thôn rộng rãi, người dân phấn khởi khi có công ăn việc làm ổn định.

Những hộ đồng bào Khmer nghèo, khó khăn luôn được quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần

Những hộ đồng bào Khmer nghèo, khó khăn luôn được quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần

Ai cũng quyết chí làm ăn

Gần 20 năm trước, đồng bào Khmer “chân ướt chân ráo” nhập cư về xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa. Những năm đầu ấy, đời sống người dân rất khó khăn: Nhà chưa có, việc làm cũng không, trình độ thấp, có người không biết chữ. Vậy là, ai mướn gì làm đó, miễn lo được “cái bụng đói”. Trước hoàn cảnh ấy, chính quyền địa phương hỗ trợ đồng bào Khmer vay vốn xây nhà, nhập hộ khẩu. Nhờ “an cư”, đồng bào Khmer được “lạc nghiệp”, ai cũng quyết chí làm ăn, cải thiện cuộc sống.

Mặc dù công việc chính là làm thuê nhưng đồng bào Khmer biết chọn những công việc phù hợp, thù lao ngày công cao. Đàn ông có sức khỏe thì làm chanh, thanh long, khóm,...; phụ nữ làm công nhân. Nhờ vậy, thu nhập của các gia đình dần ổn định.

Anh Sơn Mét (48 tuổi), ngụ ấp 2, xã Tân Lập, chia sẻ: “Ngày xưa khổ lắm, làm thuê công việc thì cực nhưng tiền không được bao nhiêu. Gia đình không có đất trồng trọt nên thu nhập không đủ sống. Những năm gần đây, cuộc sống ổn định hơn nhờ đi làm chanh, được trả công 30.000 đồng/giờ. Tôi luôn cố gắng làm tốt, nhiệt tình trong công việc để tạo sự tin tưởng của những người thuê”.

Được biết, vợ anh Sơn Mét - chị Nguyễn Thị Thanh (48 tuổi) đang làm công nhân. Vợ chồng anh chị đều có thu nhập ổn định, cuộc sống được cải thiện hơn trước rất nhiều. Và đặc biệt, con của anh chị được học hành đến nơi, đến chốn, trong đó, 1 người tốt nghiệp cao đẳng, 1 người đang học lớp 12.

Ngoài ra, những người lớn tuổi, lao động nhàn rỗi trong 14 hộ dân tộc Khmer với 72 nhân khẩu còn tham gia các tổ may gia công tại gia đình.

Chị Thạch Thị Sơ Rên (35 tuổi), ngụ ấp 2, xã Tân Lập, tâm sự: “Trước đây, tôi đi làm thuê nhưng thu nhập không cao mà công việc gia đình cũng không lo được. May nhờ có tổ may gia công, tôi tham gia may bao, vừa có thu nhập ổn định, vừa chủ động được thời gian để lo việc gia đình. Cuộc sống gia đình cải thiện hơn trước, tôi rất mừng. Tôi sẽ cố gắng làm, trả nợ vay và chăm lo tốt hơn cho gia đình”.

Địa phương quan tâm

Bên cạnh người dân quyết chí làm ăn, chính quyền cũng nỗ lực chăm lo cho các hộ dân tộc Khmer. Theo đó, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng chính sách miễn, giảm học phí, trao học bổng, dạy nghề, giới thiệu việc làm,... cho các hộ dân tộc Khmer. Ngoài ra, địa phương còn quan tâm chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Khmer: Công tác phòng, chống các loại dịch bệnh được bảo đảm duy trì, nhất là công tác vận động đồng bào nâng cao ý thức trong cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường; tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, cúm gia cầm, bệnh sởi; vận động đồng bào Khmer tham gia dọn vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư. Nhờ vậy, 14/14 hộ đều đăng ký và đạt gia đình văn hóa. Đặc biệt, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ, tặng quà và giúp đỡ đồng bào Khmer.

Đồng bào dân tộc Khmer tập trung nhân dịp lễ, tết

Đồng bào dân tộc Khmer tập trung nhân dịp lễ, tết

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập - Nguyễn Thị Lệ Thu cho biết: “Hiện 14 hộ đồng bào Khmer chỉ còn 2 hộ thuộc diện hộ nghèo, 1 hộ thuộc diện cận nghèo, trong đó hộ nghèo là người lớn tuổi, mất sức lao động nên khó thoát nghèo. Địa phương luôn nỗ lực trong việc chăm lo, tạo việc làm cho đồng bào Khmer, đặc biệt là động viên, khuyến khích các gia đình cho con đi học. Gia đình nào khó khăn, địa phương kịp thời vận động mạnh thường quân hỗ trợ học bổng, tập, sách, xe đạp và quyết tâm không để học sinh dân tộc Khmer trên địa bàn xã bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn”.

Không chỉ chăm lo vật chất, địa phương còn quan tâm đời sống tinh thần của đồng bào Khmer. Chính quyền luôn tạo điều kiện để đồng bào Khmer tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại địa phương. Đặc biệt, đồng bào Khmer được tạo điều kiện phát huy và bảo tồn văn hóa, các lễ hội. Các dịp tết truyền thống của đồng bào Khmer, tỉnh, huyện, địa phương, mạnh thường quân đều hỗ trợ kinh phí, tặng quà cho các gia đình.

Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện, chăm lo về vật chất lẫn tinh thần và ý thức tự vươn lên, đồng bào Khmer dần cải thiện cuộc sống. Tân Lập, Thủ Thừa cũng thật sự trở thành quê hương của đồng bào Khmer./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết