Tiếng Việt | English

09/02/2017 - 17:08

Thủ Thừa: Hiệu quả mô hình canh tác lúa bền vững (SRI)

Nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng lúa nếp trên địa bàn xã, tăng thu nhập cho nông dân, thời gian qua, ông Trần Văn Ngấm, ở ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An học hỏi, nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình canh tác lúa bền vững (SRI).


Mô hình canh tác lúa bền vững được triển khai trên diện tích 60ha

Mô hình được thực hiện trên diện tích 60ha với 68 thành viên tham gia, tập trung trong một khu vực liền kề nhau do ông Trần Văn Ngấm - Chi hội trưởng nông dân ấp Cầu Lớn làm Tổ trưởng. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp UBND xã Mỹ Lạc hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Mục đích của mô hình là tạo sự đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Giúp nông dân làm quen với cách ghi sổ sách, theo dõi chi phí đầu vào, tính được lợi nhuận khi thu hoạch.

Ông Trần Văn Ngấm cho biết thêm, ông vận động 11 hộ hội viên nòng cốt từng tham gia mô hình sản xuất lúa theo GlobalGAP tham gia. Sau đó, nhân rộng ra các hộ lân cận và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nông dân. Trong quá trình làm đất, chuẩn bị xuống giống, cán bộ kỹ thuật của trung tâm khuyến nông tổ chức tập huấn và hướng dẫn nông dân cách ghi chép sổ sách. Hàng tuần, cán bộ kỹ thuật luôn theo sát sự phát triển của cây lúa và cùng nông dân kiểm tra tình hình dịch bệnh trên cánh đồng, hướng dẫn các thành viên trong tổ phun thuốc phòng, quan sát, so sánh lô đối chứng thực tế trong suốt quá trình sản xuất.

Mô hình giúp giảm được lượng giống từ 40-60kg/ha; giảm phân urê thất thoát từ 15-20%. Lúa phát triển tốt, tiết kiệm được 2-3 lần phun thuốc phòng trừ đạo ôn; sản lượng lúa cao hơn ngoài mô hình từ 300-400kg. Nông dân bán lúa giống được 45/60ha với giá cao hơn lúa thương phẩm 400-500 đồng/kg; lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 2.570.000-3.450.000 đồng/ha.

Ngoài ra, mô hình còn có tác dụng hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người canh tác do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Để mô hình canh tác lúa bền vững (SRI) được nhân rộng và mang lại hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sinh học trên đồng ruộng và hỗ trợ mở rộng diện tích. Đồng thời, cần sự phối hợp liên kết 4 nhà nhằm bảo đảm hiệu quả cho các nhà và đầu ra cho nông sản./.

Ngọc Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích