Tiếng Việt | English

18/06/2020 - 08:42

Thủ tướng Anh đánh cược với ván bài nới lỏng phong tỏa

Trong kịch bản xấu nhất, làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai sẽ xảy ra với nhiều ca tử vong và cả nước Anh sẽ bị phong tỏa trở lại

Nước Anh đangthực hiện bước đi mang tính thăm dò trong việc giảm dần mức độ phong tỏa đất nước đã được thiết lập để ngăn chặn Covid-19. Kể từ thứ Hai (15/6), Anh quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa và cho phép các cửa hàng không thiết yếu cùng với một số nơi công cộng mở cửa trở lại, như sở thú và công viên giải trí.

Động thái này là hết sức quan trọng đối với Thủ tướng Boris Johnson, nhất là sau những tuần phải nhận quá nhiều sự chỉ trích.


Một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở London (Ảnh: CNN)

Phản ứng của ông Johnson bị phê phán trên toàn chính trường khi ông xử lý những cuộc biểu tình vì quyền lợi của người da màu gần đây –Black Lives Matter. Ông đã bị chỉ trích là dùng ngôn ngữ gây chia rẽ và phân biệt chủng tộc, dẫn tới các nhóm cánh hữu cực đoan kích động bạo lực tại các cuộc biểu tình cuối tuần qua. Vì vậy, từ quan điểm của chính phủ, việc nới lỏng phong tỏa không được kết thúc trong thảm họa.

Rủi ro nếu mở cửa quá sớm

Trong kịch bản xấu nhất, làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai sẽ xảy ra với nhiều ca tử vong và cả nước sẽ bị phong tỏa trở lại. Nước Anh khó có thể chấp nhận điều này, khi nước này có tỉ lệ người tử vong cao nhất châu Âu, dù cho phần lớn người dân đã tuân thủ các luật giãn cách từ tháng Ba.

“Tôi sẽ không bất ngờ khi vị trí Thủ tướng không còn an toàn nếu chúng ta phải hứng chịu đợt lây nhiễm thứ hai”, Giáo sư Chính trị học Tim Bale tại Đại học Queen Mary chia sẻ. “Tôi không chắc rằng Boris có thể khôi phục lòng tin của công chúng vào chính phủ nếu chúng ta phải quay lại trạng thái phong tỏa. Chính phủ phải làm thật chặt chẽ và cầu nguyện nó sẽ không là quá sớm với đại dịch này.”

Nhiều tờ báo thiên tả cho rằng quyết định này của Boris Johnson là quá sớm và ông chỉ làm theo số đông chứ không có cơ sở khoa học đúng đắn, cũng như đang đánh cược vào sức khỏe của cả đất nước. Những nhà khoa học cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng đây là quyết định mang đậm tính chất chính trị.

Tại sao lại nới lỏng vào thời điểm này? Bale cho rằng niềm tin của người dân vào chính phủ đang sụt giảm nhanh chóng, và đó là do một loạt những sai lầm của chính phủ dẫn đến số tử vong cao không đáng có. Bây giờ, họ hi vọng rằng mở cửa đất nước và nền kinh tế sẽ chuyển sự chú ý khỏi những sai lầm đó - đặc biệt là khi số ca tử vong hằng ngày đang giảm mạnh.

Sự phân tán chú ý như vậy có lẽ sẽ được hoan nghênh.

Tuần trước, chính phủ Anh đã phải từ bỏ hy vọng cho các trường tiểu học mở cửa trở lại trước kì nghỉ hè, sau khi thấy rằng các trường đều không đủ an toàn để trẻ quay trở lại. Lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer – đối thủ của Boris Johnson, chỉ ra rằng nước Anh “đang ở trong một tình huống nực cười khi mà các cửa hàng cá cược và công viên giải trí đã mở cửa trong khi các ông bố bà mẹ không rõ khi nào con họ có thể tới trường trở lại.” 

Với những nhà phê bình, đây là ví dụ mới nhất cho sự bất tài của chính phủ với việc xử lí khủng hoảng y tế công cộng. Anh quốc ban bố lệnh phong tỏa chậm hơn rất nhiều quốc gia châu Âu. Tuần trước, nhà dịch học và cựu cố vấn chính phủ Neil Ferguson thừa nhận quyết định này là nguy hiểm: “Nếu chúng ta ban hành lệnh cấm sớm hơn một tuần, số tử vong đã có thể giảm đi một nửa.”

Chiến lược cốt lõi của chính phủ bảo vệ dịch vụ y tế quốc gia và từ bỏ xét nghiệm cộng đồng đã bị nhiều chuyên gia y tế chỉ trích. Họ tin rằng điều đó đã dẫn đến nhiều ca tử vong không đáng có trong cộng đồng.

“Chính phủ quyết định cho người cao tuổi và người dễ bị tổn thương vào những nhà điều dưỡng, và một vài người trong số họ đã bị nhiễm virus. Họ đã làm lây lan ra những nhà điều dưỡng này và dẫn đến số người chết tăng cao”, giảng viên đa khoa cao cấp tại Trường đại học Y dược Exeter chia sẻ.

Pankhania là một trong nhiều chuyên gia y tế công cộng tin rằng việc nới lỏng lệnh phong tỏa vào 15/6 là quá sớm và việc đạt đỉnh nhiễm lần 2 là không thể tránh khỏi.

“Lượng xét nghiệm ít ỏi không đưa ra con số chính xác các ca nhiễm trong cộng đồng. Hệ thống xét nghiệm và truy vết quá tập trung và không thể cập nhật nhanh để cho thấy bức tranh toàn cảnh của sự lây nhiễm”, ông nói thêm. Hệ thống này còn ra đời sau ca nhiễm đầu tiên tận 5 tháng.

Sự phẫn nộ với tệ phân biệt chủng tộc

Tệ hơn nữa, đại dịch tại nước Anh còn đi kèm thêm làn sóng phẫn nộ toàn cầu từ cái chết của George Floyd tại nước Mỹ và sự tức giận của người da màu cùng cộng đồng dân tộc thiểu số đối với bất công và phân biệt chủng tộc.


Các cuộc biểu tình Black Lives Matter lan rộng sang châu Âu.

Đầu tháng này, chính phủ đã đưa ra báo cáo về việc Covid-19 có tác động khác nhau tới cộng đồng người da màu, người châu Á và dân tộc thiểu số. Các cuộc diễu hành và biểu tình còn là vì những điều vượt ra ngoài vụ việc liên quan đến George Floyd và virus này.

Diane Abbott, thành viên cấp cao Đảng lao động nói: “Mặc dù Floyd là một ngòi nổ, nhưng các cuộc biểu tình cũng là để chống lại phân biệt chủng tộc và vì những cái chết của người da màu bị cảnh sát giam giữ tại Anh. Cả bầu không khí đã sôi sục về số người da màu chết vì Covid-19, và khiến cộng đồng cảm thấy như bị giam cầm”.

Bà Abbott, cùng với những người khác, nhận ra phản ứng của chính phủ đã trở nên thái quá. Thủ tướng Johnson và một số thành viên chính phủ nói rằng, các cuộc biểu tình với việc giật đổ tượng những người buôn nô lệ mang các biểu hiện “côn đồ”.

Giáo sư nghiên cứu về người da màu tại Đại học Thành phố Birmingham Kehinde Andrews chia sẻ: “Ngôn ngữ kiểu đó sẽ gây ra nhiều hậu quả. Từ “côn đồ” có thể ám chỉ tới định kiến về những thanh niên da màu hung hăng. Bạn có thể nhìn thấy rằng người da đen có nhiều khả năng bị bắt và bị bạo hành hơn”.

Vào thứ Sáu tuần trước (12/6), Thủ tướng Anh đã đăng một bài viết dài lên Twitter lên án những người vẽ bậy hoặc dỡ đổ tượng Winston Churchill ngoài tòa nhà Quốc hội. Ngày hôm sau, những người biểu tình cánh hữu cực đoan đã đứng ra bảo vệ bức tượng, dẫn đến xảy ra bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát.

“Cả Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ nội vụ có khi đều quan tâm tới số tượng bị đổ hơn cả số người chết trong buôn bán nô lệ trên Đại Tây Dương” – Abbot nói.


Sau khi giật đổ tượng, những người biểu tình lăn bức tượng trên đường đến bến sông và ném tượng xuống sông Avon.

Thách thức kép với Thủ tướng

Việc nới lỏng lệnh phong tỏa đến vào lúc Thủ tướng Johnson phải đương đầu với nhiều thử thách. Những người trung thành với ông đang lo lắng rằng bộ máy của Thủ tướng sẽ không được chuẩn bị đầy đủ cho những tình huống rủi ro.

“Gần đây, rất nhiều người trong chúng tôi lo rằng tuyến đầu dường như không vững chắc. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, sau này mọi người sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì chúng ta đã mở cửa đất nước và nền kinh tế thành công. Nhưng chúng ta cũng không thể phạm sai lầm trong những tuần tới đây. Có rất nhiều sự rắc rối và phiền toái ngoài kia.”, một thành viên chính phủ nói.

Một thành viên Chính phủ khác chia sẻ rằng: “Boris Johnson là lãnh đạo, không phải là người quản lý vi mô. Nội các của ông đang phải thực hiện những việc tầm vĩ mô, như giải quyết khủng hoảng Brexit năm ngoái. Đã có nhiều sự phẫn nộ ở ngoài kia và nếu mọi việc đi sai hướng, mọi thứ đều sẽ đổ lên đầu Thủ tướng”.

“Không nghi ngờ rằng thời gian này thật thách thức cho bất kì một chính phủ nào”, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith nói. “Có quá nhiều thứ đang xảy ra chưa từng có tiền lệ và rất khó kiểm soát. Tuy vậy, khi mà có những thứ chính phủ không kiểm soát được do kế hoạch kém, họ rơi vào rủi ro yếu thế và quần chúng hoài nghi vào khả năng của họ.”

Tuy nhiên, trong khi những người bảo thủ đang lo lắng về các hệ lụy, nhiều người khác vẫn lạc quan rằng nếu dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành công, ông Johnson sẽ được tưởng thưởng. “Tới một mức độ nào đó, chúng ta sẽ được đánh giá nhiều hơn về khả năng hồi phục từ đại dịch hơn là về những gì đang diễn ra. Mọi người đều chán nản, nhưng sâu bên trong họ biết rằng vì sao mở cửa trường học lại khó hơn mở cửa sở thú”, một bộ trưởng chia sẻ.

Thủ tướng Johnson vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Những mạng sống và công việc đã mất sẽ không thể quay trở lại. Những tác động của dịch bệnh tới cộng đồng người da màu và dân tộc thiểu số không thể đảo ngược. Sự phẫn nộ của nhiều người Anh sẽ không nguôi ngoai nếu không có sự xem xét nghiêm túc về bất bình đẳng trong xã hội Anh.

Tất cả những điều này đều cần được giải quyết trong năm nay bất kể đỉnh dịch thứ hai có xảy ra hay không. Chính trị nước Anh đã bị cuốn vào vấn đề Brexit trong vòng 4 năm trở lại đây. Và trong khi đó, Johnson có thời gian tới ngày 31/12 để giải quyết “cơn đau đầu” mang tên Brexit. Nếu không giải quyết được, cuộc suy thoái do Covid-19 sẽ hợp nhất với khủng hoảng kinh tế hậu Brexit không có thỏa thuận với Châu Âu. Nếu điều đó xảy ra, sự nghiệp chính trị của ông Johnson như ngàn cân treo sợi tóc./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết