Tiếng Việt | English

02/10/2020 - 10:51

Thủ tướng: Có thể nhận định năm nay tăng trưởng dương đạt 2-3%

Thủ tướng cho biết, có thể nhận định, chúng ta sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng dương từ 2-3% trong năm nay.

Sáng 2/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Đây là phiên họp quan trọng trong bối cảnh nước ta đã đi qua 2/3 thời gian của năm 2020, để bàn giải pháp thúc đẩy kinh tế xã hội 3 tháng còn lại của năm.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng hoa chúc mừng ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận nhiệm vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Thủ tướng đánh giá cao ông Chu Ngọc Anh đã làm tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó, trong đó có vai trò là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó có nhiều sáng kiến về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. 

Bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã chỉ đạo, hỗ trợ để cá nhân Bộ trưởng thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao khi làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh cho biết sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ mới được Đảng, Nhà nước giao. Trước mắt sẽ cùng Đảng bộ Thành phố tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, bám sát Nghị quyết để từng bước đưa Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô. 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng cho biết, tháng 9, nước ta có nhiều sự kiện quan trọng, như kỷ niệm 75 năm thành lập nước, đại hội AIPA, đặc biệt là đến thời điểm này đã là 30 ngày nước ta không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.  Đến nay 14 địa phương tổ chức thành công Đại hội Đảng, nhiều địa phương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước rất ấn tượng. Ngành giáo dục đã tổ chức cho học sinh tham gia nhiều kỳ thi và đạt giải cao, trong đó có Olympic Toán học quốc tế 2020 được tổ chức tại Nga.  

Bên cạnh đó, các ngành nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng, các lĩnh vực xã hội có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét. Đây là tiền đề quan trọng cho quý 4 và năm tới. Quý 3 kinh tế nước ta tăng trưởng 2,62%, là cơ sở để khẳng định năm nay chúng ta tăng trưởng dương, đạt mức từ 2-3%, đứng đầu ASEAN và đứng thứ 2 trong các nước châu Á – Thái Bình Dương. Đây là cố gắng rất lớn khi các nước ASEAN đều tăng trưởng âm. 

Lần đầu tiên nước ta xuất siêu đạt kỷ lục 17 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 21 tỉ USD. Các chỉ tiêu ổn định vĩ mô tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng giảm còn 3,85%. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại mạnh mẽ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ấn tượng là doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. Trước đây tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu FDI, nhưng hiện tăng trưởng xuất khẩu là doanh nghiệp trong nước. Trong đó ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu đạt trên 41 tỷ USD, với nhiều nhà máy chế biến mới, nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là khai thác hiệu quả, kịp thời Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU. Giải ngân vốn đầu tư công còn mặt này, mặt khác, nhưng cũng đạt gần 60% kế hoạch, mức cao nhất hiện nay. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 4,8%, đạt 34,7% GDP. 3 khu vực nhà nước, tư nhân và FDI trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trong khó khăn.

"Một lần nữa chúng ta khẳng định vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp trong khó khăn. Nguồn lương thực thực phẩm của Việt Nam dồi dào. Nông dân từ Nam chí Bắc được mùa, được giá, sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh" - Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, sản xuất công nghiệp 9 tháng có sự khởi sắc hơn, tăng 3,8%, mở ra hy vọng phục hồi mạnh trở lại thời gian tới. Thương mại và dịch vụ đạt kết quả tích cực hơn. 

Một thông tin vui khác Thủ tướng nêu ra, đó là dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do Nikkei đánh giá tăng lên 52,2 điểm phần trăm trong tháng 9 so với 45,7 điểm phần trăm trong tháng 8. Điều này cho thấy, xu hướng phục hồi rõ nét của Việt Nam trong ASEAN, khi Thái Lan ở mức 49,9 điểm phần trăm, Malaysia 49, Singapore 50,1, Myanmar 47,2 điểm phần trăm.

Thủ tướng cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh đều được đảm bảo. Số hộ thiếu đói giảm 75,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lao động việc làm phục hồi, tăng 1,45 triệu người có việc làm so với quý 2. Trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.  

Dù mục tiêu kép trong tháng 9 được thực hiện tốt, nhưng Thủ tướng cho rằng, vẫn còn khó khăn trong thời gian tới, như dịch vụ, đặc biệt là du lịch, hàng không, vận tải. Số doanh nghiệp dừng hoạt động là vấn đề đặt ra cần quan tâm. Chính sách hỗ trợ để thực hiện Nghị quyết 42 hiệu quả, khả thi cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Mặc dù tăng trưởng đạt kết quả tích cực nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các thành viên Chính phủ thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều giải pháp quan trọng để đạt kỳ vọng. HSBC ngày 1/10 đánh giá Việt Nam tăng trưởng cao hơn nhiều nước. Năm 2021, họ đặt vấn đề Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,1%. Vậy điều kiện gì, giải pháp nào để đạt 8,1% trong năm 2021?. Chúng ta phải phát huy kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn trong phòng, chống Covid-19; vấn đề chuyển đổi số, cuộc cách mạng 4.0 và thời cơ cho Việt Nam.

"Chúng ta cần tăng cường tính tự lực tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước. Hơn lúc nào hết, thời gian đến, năm 2021 phải có một tinh thần tự lực, tự cường để phát triển. Một khí thế mới, sự phấn đấu vừa qua rất quyết liệt như vậy thời gian vừa qua, kết quả tốt như vậy, làm nền tảng quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ quý 4 đạt kết quả tốt nhất, chuẩn bị đà cho năm 2021 và các năm tiếp theo" - Thủ tướng nhấn mạnh./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết