Tiếng Việt | English

07/03/2016 - 15:49

Thủ tướng: Khoanh nợ ngay cho dân bị thiệt hại do nhiễm mặn

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Ngân hàng Nhà nước VN tại cuộc làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL về phòng, chống xâm nhập mặn, tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 7-3.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại cuộc họp về phòng, chống xâm nhập mặn với lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL - Ảnh: Chí Quốc

“Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ ngay cho bà con. Số nào diện tích thiệt hại rõ rồi, số nào không thu hoạch được hoặc thu hoạch được nhưng không còn bao nhiêu, ngân hàng Nhà nước trước mắt phải ra một chỉ thị khoanh nợ, chuyện xem xét xóa nợ thì sau này sẽ tính tiếp sao cho đúng đối tượng. Đây là việc cấp bách, tôi yêu cầu phải làm. Thứ hai là làm sao cho bà con vay ngay để có vốn sản xuất các vụ tiếp theo. Thứ ba là ngân hàng chính sách xã hội phát huy trách nhiệm trong lúc này đối với các đối tượng nghèo”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Ba kịch bản

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của thủ tướng, ông Đào Minh Tú – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN – cho biết sẽ khoanh nợ ngay để bà con có vốn trồng tiếp và có nước sạch sử dụng.

Tuy nhiên ông Tú đề nghị các địa phương cần xem xét phối hợp trong việc này để làm sao việc trồng trọt của người dân có hiệu quả.

Về diện tích lúa đông xuân còn lại (khoảng 60% diện tích toàn vùng ĐBSCL) chưa thu hoạch, thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng phải cố gắng bằng mọi giải pháp ngăn mặn để bảo vệ cho được số lúa hiện có, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Thủ tướng đề nghị chuẩn bị cho ba kịch bản: Vùng nước ngọt hoàn toàn thì xuống giống vụ hè thu cho kịp, vùng nửa ngọt nửa mặn thì làm công trình để ngăn mặn giữ ngọt để xuống giống hè thu, còn vùng thấy không giữ ngọt được thì dứt khoát không xuống giống hè thu.

Về thủy sản, thủ tướng đề nghị cơ quan chức năng phải hướng dẫn kỹ thuật để dân khai thác có hiệu quả vì hiện tôm đang có giá gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, trong lúc nước mặn thì phát triển thủy sản.

“Thách thức luôn ẩn chứa cơ hội mà ta biết nhìn nó, phát huy được, tranh thủ được thì sẽ biến nó thành cơ hội. Nếu được hướng dẫn kỹ thuật tốt cho bà con thì tôm trong lúc có giá sẽ bù lại thiệt hại cho dân là rất lớn…”, theo thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

139.000ha lúa bị thiệt hại

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cho biết tình hình dự báo những ngày tới của tháng 3 và tháng 4 có nguy cơ tình hình xâm nhập mặn sẽ còn xấu hơn.

Tổng diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại đến hôm nay là 139.000ha, trong đó có 86.000ha thiệt hại trên 70% năng suất, 43.000ha thiệt hại từ 30 – 70% năng suất…

Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Cà Mau (hơn 49.000ha, Kiên Giang (hơn 34.000ha), Bạc Liêu (11.456ha) và Bến Tre là 13.844ha.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đán giá thời gian tới nhiều diện tích lúa đông xuân sẽ tiếp tục được thu hoạch (hiện đã thu hoạch được hơn 40% diện tích), do vậy diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn sẽ không nhiều, dự kiến khoảng 46.000ha.

Đối với vụ lúa hè thu 2016 nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6 thì toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.

Về nước sinh hoạt, hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình với khoảng 575.000 người bị thiếu nước. “Không chỉ đối với hộ gia đình, ở Bến Tre thì thậm chí cả khách sạn, nhà hàng, trường học, bệnh viện, nhà máy chế biến đều thiếu nước”, bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Một cánh đồng lúa ở xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bị hư hại gần như hoàn toàn do nhiễm mặn. Trong ảnh: Cán bộ xã Bình Giang khảo sát, thống kê thiệt hại lúa của một hộ dân - Ảnh: Chí Quốc

Theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biến dâng giai đoạn 2012-2020 là khoảng 90.000 tỉ đồng, đã bố trí giải đoạn 2011-2012 khoảng 16.500 tỉ đồng, dự kiến giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 31.0000 tỉ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu vốn nêu trên, Bộ Kế hoạch – đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao bộ này và các bộ ngành liên quan tìm nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ, cổ phần hóa doanh nghiệp để đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Theo đó sẽ rà soát lại các dự án đang dầu tư dở dang để sắp xếp thứ tự ưu tiên, bố trí vốn tập trung, dứt điểm, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác hiệu quả.../.

C.Quốc – H.T.Dũng/tuoitre online

Chia sẻ bài viết