Tiếng Việt | English

17/01/2016 - 19:42

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc nối Cần Thơ và Kiên Giang

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi qua TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang dài 53,34km giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng.

Sáng nay (17/1), tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi qua TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát lệnh khởi công.

Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 200 triệu USD (khoảng 4.167 tỷ đồng) cùng với vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Điểm đầu của dự án thuộc quân Thốt Nốt TP Cần Thơ và kết thúc tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang với tổng chiều dài 53,34km. Dự án được xây dựng với quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, rộng 11m gồm 2 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Trong giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư mở rộng 33m với quy mô đường cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.

Dự án do do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tổng thầu là các công ty của Hàn Quốc (công ty Liên danh LOTTE-HALLA- HANSHIN và công ty Liên danh KUMHO- HYUNDAI của Hàn Quốc). Dự kiến thời gian thi công và hoàn thành dự án là 30 tháng.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát lệnh khởi công xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nằm trong chương trình phát triển và mở rộng cơ sở hạ tầng của khu vực ĐBSCL và là tuyến giao thông quan trọng kết nối các tỉnh ven biển phía Tây Nam của Tổ quốc với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và TP HCM.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc; đồng thời biểu dương sự nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn của Bộ GTVT, Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, các đơn vị tư vấn đặc biệt là chính quyền địa phương đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù Quốc lộ 80 đã được nâng cấp mở rộng nhiều lần nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đoạn đường này tuy chỉ có khoảng 51 km nhưng là ước mơ bao đời nay của người dân trong khu vực. Việc hiện đại hóa con đường này sẽ góp phần rất quan trọng cho phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội và an ninh quốc phòng cho Kiên Giang, rút ngắn thời gian từ Rạch Giá đến TP HCM và mở rộng quan hệ vận chuyển đến các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ khi có tuyến đường mới này nối với Cà Mau, kết hợp với 2 cây cầu Vàm Cống và Cao Lãnh sẽ hoàn thành vào đầu năm 2017, cả vùng cần phải điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển không chỉ nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ, chăm lo giải quyết đời sống của người dân ngày càng được tốt hơn, nhất là quan tâm đến việc làm và thu nhập của người nông dân ở vùng dự án có đất bị thu hồi để xây dựng dự án./.

Nguồn: Lam Hiếu/VOV

Chia sẻ bài viết