Tiếng Việt | English

23/03/2016 - 01:30

Thủ tướng: Trong khó khăn càng phải bảo đảm an sinh cho dân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trong điều kiện khó khăn càng phải tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân.

Ngày 22/3, báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đã tăng cường lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Quochoi)

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nhiệm kỳ qua Chính phủ đã tích cực triển khai và đạt được những kết quả trong thực hiện Nghị quyết Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và Nghị quyết về chính sách xã hội, nhất là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách; bố trí tăng thêm ngân sách nhà nước và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội.

Đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; điều chỉnh tăng lương; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế; giải quyết việc làm; giảm nghèo bền vững; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.

Thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Thực hiện đồng bộ các chính sách, nâng cao đời sống và giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm phòng chống tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước về y tế. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách. Chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là về y tế dự phòng; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; phát triển y tế biển đảo; y tế ngoài công lập, khuyến khích hợp tác công tư; y học cổ truyền; công nghiệp dược; quản lý thuốc chữa bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo. Thực hiện nhiều biện pháp phòng chống HIV/AIDS.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được coi trọng (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém. Đó là chưa khuyến khích huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển. Một số chính sách xã hội thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao, nhất là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, sinh viên mới tốt nghiệp; giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm xã hội, an toàn lao động.

Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; phát triển y tế ngoài công lập, công nghiệp dược; quản lý y tế tư nhân, thuốc chữa bệnh và vệ sinh, an toàn thực phẩm có mặt còn hạn chế, bất cập. Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân còn cao.

Quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, các di tích lịch sử và tôn giáo, tín ngưỡng có mặt còn hạn chế; đời sống văn hóa, nhất là vùng sâu, vùng xa chậm được cải thiện. Quản lý hoạt động thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng và ngăn chặn, xử lý thông tin sai trái hiệu quả chưa cao.

Về những bài học kinh nghiệm rút ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trong điều kiện khó khăn càng phải tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Thực hiện nhất quán, thiết thực phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển./.

Trong 5 năm, đã ban hành 29 văn bản về chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có 222.844 lượt hộ được hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng; trên 21 nghìn lượt hộ được hỗ trợ trồng rừng; 39.820 lượt hộ nghèo ở thôn bản vùng giáp biên được hỗ trợ 799,28 tấn lương thực; 437.316 lao động dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề.

Đã bố trí 136 nghìn tỷ từ ngân sách nhà nước; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, quốc tế cho thực hiện chính sách dân tộc và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số giảm khoảng 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%.

 Lại Thìn/VOV.VN

Chia sẻ bài viết