Tiếng Việt | English

08/03/2023 - 15:38

Thúc đẩy quảng bá văn hóa, bản sắc Việt qua môn nghệ thuật thứ bảy

Giới nghiên cứu nhận định ba nguyên tắc về tính dân tộc, tính khoa học và tính đại chúng vẫn luôn là các nguyên tắc dẫn dắt, đưa điện ảnh Việt Nam phát triển, ghi tên mình lên bản đồ thế giới.


Áo dài thập niên 60 bất ngờ trở lại thành ''mốt'' sau thành công của ''Cô Ba Sài Gòn.'' (Ảnh: ĐPCC)

Năm 2023 đánh dấu 80 năm kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, trong đó nêu rõ ba nguyên tắc của văn hóa Việt là: Dân tộc, khoa học và đại chúng.

Giới nghiên cứu khẳng định ba nguyên tắc này không chỉ mở đường cho nền văn học-nghệ thuật cách mạng, mà vận động theo dòng lịch sử để tạo nên những phẩm chất, đặc tính quyết định sự phát triển của văn học-nghệ thuật mới, trong đó không thể không nhắc tới điện ảnh.

Sức mạnh của điện ảnh

Giới chuyên môn đã nhận định điện ảnh là một trong những loại hình nghệ thuật có tính tác động mạnh mẽ, được coi như một phương thức hiệu quả trong việc kể câu chuyện của một dân tộc.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá: "Điện ảnh là loại hình nghệ thuật có sức chuyển tải thông tin mạnh, có mãnh lực lan tỏa cảm xúc đến đại chúng bằng hình ảnh cụ thể và thông điệp rõ ràng. Từ lâu, người làm văn hóa đa coi điện ảnh như một 'vũ khí hạng nặng' trong việc phô diễn bản sắc của bất cứ đất nước nào."

Điện ảnh Việt Nam thời cách mạng đậm đà tinh thần dân tộc. (Ảnh: Phim ''Em bé Hà Nội'')

Theo bà, tinh thần dân tộc trong phim điện ảnh Việt đã có trong thời kỳ khai sinh của điện ảnh Việt từ đầu thế kỷ 20 với các phim như "Kim Vân Kiều," "Cánh đồng ma"... được coi như kim chỉ nam cho các nhà làm phim.

Bà cũng nhận xét nhà làm phim thuở sơ khai đã chọn làm những câu chuyện đậm chất Việt Nam để chống lại ảnh hưởng "Tây hóa," đến thời kỳ cách mạng thì tinh thần này lại càng đậm nét và đạt nhiều thành công. Có thể kể đến như "Bao giờ cho đến tháng Mười," "Chị Tư Hậu," "Em bé Hà Nội"... Điện ảnh ngày nay cũng không ra ngoài quỹ đạo này.

"Dù có một số bộ phim vì mục tiêu hướng đến các liên hoan phim quốc tế mà chọn cách thể hiện văn hóa bản địa dưới góc nhìn riêng biệt, đôi khi lạ lẫm… Đồng thời, một số phim “làm lại” từ kịch bản nước ngoài cũng phần nào xoá nhòa những nét văn hóa bản địa, khiến cho các bộ phim ấy không còn 'căn cước văn hoá' của bất cứ dân tộc quốc gia nào chứ không nói đến căn cước văn hóa Việt. Nhưng trên tổng thể diện mạo điện ảnh nước nhà, tôi thấy đó vẫn chỉ là những hiện tượng cá biệt không phổ biến," bà Trịnh Thanh Nhã nhận xét.

Tiến sỹ Ngô Phương Lan (Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh) cũng đưa ra nhận định rằng: Văn học nghệ thuật Việt Nam có hai đặc tính căn bản là tính dân tộc và tính hiện đại.

Tính dân tộc vốn là một thuộc tính của một tác phẩm điện ảnh, nhưng để nó trở thành một phẩm chất tốt đẹp thì bộ phim phải tạo được cái hồn dân tộc, phản ánh được bản chất của cuộc sống và cái nhìn nhân bản, thông qua những hình tượng màn ảnh, nhân vật có sức sống, phương thức thể hiện mang đậm tính dân tộc độc đáo.

Vươn tới toàn cầu bằng câu chuyện địa phương

Trong khi điện ảnh được coi như "vũ khí hạng nặng" trong phô diễn văn hóa, câu chuyện bản địa, câu hỏi đặt ra là: Liệu những câu chuyện quá gần gũi với địa phương lại trở nên xa lạ với khán giả quốc tế, khó đưa ra thế giới?

Tuy nhiên, giới chuyên môn khẳng định điều ngược lại. Trên thực tế, một câu chuyện có đậm tính địa phương vẫn có thể được ghi dấu mạnh mẽ trên thế giới. Đạo diễn Aaron Toronto (phim "Đêm tối rực rỡ") lấy ví dụ phim "The Raid" của Indonesia không chỉ được khán giả thế giới rộng rãi đón nhận, mà còn được coi là một siêu phẩm võ thuật, đưa bộ môn Pencak-Silat ra với toàn cầu.

"Mùa Hè chiều thẳng đứng" (được đề cử Oscar năm 2001), "Mùa len trâu" (giải đặc biệt ở Liên hoan phim Locarno, Thụy Sỹ, 2005)... hay gần đây có "Tro tàn rực rỡ" (giải vàng tại Liên hoan phim Ba Châu Lục, 2022) mang câu chuyện về tâm tư của 3 người phụ nữ miền Tây đi Liên hoan phim Tokyo, "Ròm" (giải cao nhất cho phim đầu tay tại Liên hoan phim Busan, Hàn Quốc, 2019).

"Bản chất điện ảnh là môn nghệ thuật đi xuyên văn hóa và ngôn ngữ, nó diễn tả được cảm xúc và cảm nghĩ của mỗi nhân vật, tính con người mà tất cả đều có thể đồng cảm," ông Aaron nhận xét "... nếu chúng ta có kỹ thuật kể chuyện đủ tốt."

''Mùa len trâu'' kể thành công một câu chuyện đậm chất địa phương cho khán giả quốc tế. (Ảnh: ĐPCC)

Đối với một người sáng tác, theo Tiến sỹ Ngô Phương Lan, tính dân tộc sẽ xuất phát từ hai hướng: Tự giác và tự phát. Nếu tự phát là khi nhà sáng tác thể hiện những gì mình thích, trong tác phẩm xuất hiện bóng dáng "gen dân tộc" của anh ta, thì tự giác là điều mà các nhà sáng tạo chủ động thể hiện tinh thần dân tộc trong tác phẩm, tính dân tộc sẽ đậm đà và tạo sức sống, độc đáo cho tác phẩm.

Còn với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, bản sắc là những dấu ấn truyền thống đã lặn sâu vào tiềm thức con người, nó làm nên căn cước văn hóa của dân tộc và từng cá nhân, vì vậy người làm phim hôm nay có nghĩa vụ tôn vinh nó, khai thác nó để căn cước văn hóa ấy không bị mai một, nhòe mờ trong hiện tại hay tương lai.

"Trong các thể loại phim khác nhau, đạo lý truyền thống của người Việt, sự tôn trọng tiền nhân, tinh tế và đúng mực trong ứng xử… luôn luôn có thể được thể hiện mà không ảnh hưởng gì đến những tâm lý cấp tiến, cách tân đương đại."/.

Minh Anh (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết