Tiếng Việt | English

30/10/2019 - 17:40

Tỉ phú trên mảnh đất “chết”

Nhìn vào thành công như bây giờ của ông Võ Quan Huy (Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), ít ai biết rằng ông phải trải qua nhiều khó khăn mới có được. Có thể nói, cuộc đời của tỉ phú nông dân này là một câu chuyện dài của sự nỗ lực, cố gắng không ngừng.

Trang trại chuối của ông Võ Quan Huy tạo việc làm cho hàng trăm nông dân nghèo

Trang trại chuối của ông Võ Quan Huy tạo việc làm cho hàng trăm nông dân nghèo
1. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, ngay từ nhỏ, ông Huy luôn mang trong mình ước mơ đổi đời. Khác với bạn bè cùng trang lứa, chỉ mới 14 tuổi, ông đã trở thành trụ cột chính của gia đình khi cha mất sớm, hai anh tham gia chiến trường, nhà chỉ còn mẹ và các chị gái. Ngày ấy, người ta biết đến ông Huy như là dân “cày thuê” chuyên nghiệp, ôm chiếc máy cày đi cày thuê, cày mướn khắp làng trên, xóm dưới để đỡ đần gia đình. 

Khát vọng đổi đời luôn rực cháy trong người, hơn 20 tuổi, ông mạnh dạn đến vùng đất mới cách nhà hơn 100km để khai hoang, lập nghiệp. Ông khởi nghiệp bằng việc trồng mía. Thế nhưng, thành công chưa đến thì mía đã bị trận lụt lịch sử nhấn chìm trong biển nước. Chàng nông dân đánh dấu khởi đầu bằng sự thất bại đầu đời.

Tuy nhiên, chưa bao giờ từ bỏ, càng khó khăn, ông lại càng muốn chinh phục, vượt qua. Lần này, ông quyết định quay trở về và cố gắng làm giàu trên mảnh đất “chết”. Mảnh đất chẳng trồng nổi cây gì khác ngoài đước và tràm. Mảnh đất ấy chính là nơi ông đi cày thuê, cày mướn từ thuở nhỏ - ấp 3, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ hiện nay. 

Ông Huy ra sức cải tạo vùng đất "chết" này và tiếp tục khởi nghiệp với việc trồng mía. Từ mảnh đất "chết", những vụ mía mới bắt đầu nảy mầm, xanh tốt, nhen nhóm hy vọng cho ông. Từ từ, mía đã giúp ông đổi đời và biệt danh Huy “mía” cũng ra đời từ đó. 

Cũng trên mảnh đất này, ông Huy tiếp tục chuyển hướng, mở rộng sản xuất bằng việc trồng ớt, xoài, dưa hấu, nuôi bò,… và khảo sát một số địa phương khác để nuôi tôm. Sau những nỗ lực, "trái ngọt" tiếp tục đến với ông. Ông Huy chia sẻ: “Với tôi, mỗi lần trồng cây gì hay nuôi con gì đều là một sự bắt đầu. Bản thân mình phải tập trung tối đa để làm. Thành công chỉ là bước đầu, giữ được mới là điều khó. Tôi luôn nhắc nhở anh em làm việc ở đây phải cố gắng, dùng tâm trong công việc, ắt hẳn sẽ đạt được điều mình mong muốn”.

Khi gần 60 tuổi, dù đã trở thành tỉ phú nhưng ông Huy vẫn không ngừng nghiên cứu, trải nghiệm và tiếp tục khởi nghiệp. Lần này, ông bắt đầu với cây chuối. Ông tự tìm tòi, đến những nước xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm chuyên gia về Việt Nam hỗ trợ. Ông mời hẳn chuyên gia người Philippines (một trong những quốc gia xuất khẩu chuối đứng đầu trên thế giới) đến Việt Nam, ở lại trong trang trại chuối của gia đình để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật. Ông cũng nhắm đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu để đưa sản phẩm của mình vào đây. Ông thuê hẳn đội ngũ chuyên gia người Nhật trực tiếp giám sát các công đoạn trồng chuối nhằm  đưa chuối tiếp cận các thị trường khó tính này.

Thương hiệu chuối Fohla có mặt tại những thị trường khó tính nhờ vào áp dụng quy trình sản xuất sạch, hữu cơ

Thương hiệu chuối Fohla có mặt tại những thị trường khó tính nhờ vào áp dụng quy trình sản xuất sạch, hữu cơ

Chuối của ông Huy được sản xuất theo hướng hữu cơ ngay từ ban đầu, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản,… được theo dõi, giám sát chặt chẽ.Công nhân làm việc trong trang trại chuối được tập huấn các kỹ thuật, hướng dẫn kỹ lưỡng,… để sản phẩm làm ra là chuối sạch, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn do thị trường đề ra ngay cả hiện tại và tương lai.

Ông Huy đầu tư hơn 100 tỉ đồng để trồng 200ha chuối và đăng ký thương hiệu Fohla (Fruit of Huy Long An). Hiện nay, Fohla có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, trong đó đặc biệt là các thị trường khó tính: Nhật Bản, Hàn Quốc,... Thương vụ chuối đã mang về cho ông Huy doanh thu lớn, năm 2018 đạt 6 triệu USD, ước tính năm 2019, doanh thu từ chuối có thể chạm mốc 10 triệu USD. 95% sản lượng chuối từ trang trại phục vụ việc xuất khẩu.

Hệ thống cáp treo được áp dụng khi thu hoạch chuối vừa giảm cực nhọc cho công nhân, vừa tăng năng suất, hiệu quả hoạt động

Hệ thống cáp treo được áp dụng khi thu hoạch chuối vừa giảm cực nhọc cho công nhân, vừa tăng năng suất, hiệu quả hoạt động

2. Cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất quê hương, ngoài góp công lớn trong việc đưa nông sản Việt khẳng định vị trí, tên tuổi trên thị trường thế giới, ông Huy còn là "chỗ dựa" cho hàng trăm công nhân nghèo khó đến từ khắp mọi miền đất nước, thậm chí ngay cả những người Việt ở Biển Hồ (Campuchia) hồi hương. 

Họ từ quê Cà Mau, Hậu Giang, Nghệ An,…rỉ tai nhau và dắt díu gia đình đến trang trại của ông Huy sống và làm việc. Ngôi nhà mới của họ chính là những căn phòng do ông Huy xây dựng trên khu đất của trang trại. Khu ở tập thể này là dãy nhà khoảng 20 căn phòng, nơi ở của hàng chục gia đình công nhân. Tất cả những người này đều có xuất phát điểm giống nhau, chính là “nghèo”. Họ đến đây với hy vọng mới cho tương lai của mình, tìm kiếm một công việc với những đồng tiền đủ trang trải, nuôi sống gia đình.

Ở đây, ngoài những kỹ sư lành nghề, công nhân, lao động cũng kiếm được khoản thu nhập ổn định từ công sức của mình bỏ ra. Mỗi ngày, họ được trả khoảng 200.000-300.000 đồng. Những ngày nghỉ, công nhân đến kênh, rạch gần đó bắt cá, hái rau,… để giảm bớt chi phí và tăng thêm nguồn thức ăn cho mình. 

Chị Duyên - công nhân làm việc ở đây, chia sẻ: “Nhà mình ở tận Biển Hồ (Campuchia). Sống ở bên ấy rất cực khổ, không đủ ăn. Cả gia đình theo ông chú về đây làm cho ông Huy được hơn 1 năm nay. Công việc lao động chân tay ở đâu cũng vậy, mình chịu khó tí là được. Ở đây, chúng tôi có cuộc sống tốt hơn. Tiền công cũng tương đối khá. Nhà thì được ông Huy cất cho ở, không tốn chi phí gì cả. Mấy đứa nhỏ, tối đến cũng được mấy chú kỹ sư làm ở đây dạy chữ để có thêm kiến thức. Chúng tôi xem ở đây như nhà của mình, tết đến cũng ở lại đây. Chỉ mong gia đình có cuộc sống tốt hơn, vậy là mừng rồi!”.

Còn anh Phúc (quê Hậu Giang) cho biết: “Ở quê trồng lúa, cuộc sống thiếu trước, hụt sau nên tôi lên đây làm thuê. Công việc tuy có vất vả nhưng tiền kiếm được đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Ông Huy rất tốt bụng, hỗ trợ, tạo điều kiện để anh em có chỗ ăn, chỗ ở ổn định. Mọi người làm việc rất phấn khởi, chăm chỉ. Một năm, tôi thường về thăm nhà một đến hai lần”. 

Công đoạn thu hoạch chuối là vất vả nhất, di chuyển trong trang trại quãng đường dài và công nhân phải vác trên vai những buồng chuối nặng từ 30-50kg đến điểm tập kết nên ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Vì thế, sau khi tìm tòi, nghiên cứu thực tế, ông Huy thiết kế và xây dựng hệ thống cáp treo để thu hoạch chuối. Hệ thống cáp dài 33km, kinh phí lắp đặt khoảng 200 triệu đồng, vận chuyển được 50 buồng chuối/ lần, vừa giảm được nặng nhọc, vất vả cho công nhân, vừa giảm chi phí, tăng hiệu quả, năng suất.

Hiện nay, dù là tỉ phú nhưng ông Huy vẫn ngày ngày chăm chỉ làm việc, gắn bó với mảnh đất quê hương để tạo ra những sản phẩm chất lượng, góp phần đưa nông sản Việt đến với thế giới. Và ở đó, ông cũng trở thành "điểm tựa" cho hàng trăm nông dân nghèo./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết