Người dân lo ngại dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào địa bàn tỉnh
Người dân lo ngại
Long An với vị trí cửa ngõ của khu vực ĐBSCL, do đó, nguy cơ lây lan, xâm nhiễm DTHCP rất cao. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát việc mua bán, vận chuyển thịt heo, thực phẩm và sản phẩm chế biến từ heo ra, vào địa bàn tỉnh khá phức tạp. Ngoài ra, giá heo hơi giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam hiện nay chênh lệch khá cao, do đó lượng heo thịt nhập vào địa bàn tỉnh rất lớn, nhất là từ các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Phước,... Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Dương Minh Phí, để ngăn chặn DTHCP xâm nhập vào địa bàn tỉnh, 8 trạm kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông của tỉnh kiểm soát 24/24 giờ trong ngày đối với hoạt động vận chuyển heo, sản phẩm từ heo ra, vào địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện có heo bệnh, nghi mắc bệnh, chết, các trạm kiểm dịch nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.
Lo lắng là tâm trạng chung của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Anh Đặng Hồng Phong, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi 25 con heo thịt và 2 con heo giống. Sau khi biết thông tin DTHCP đã xuất hiện và gây hại trên hàng ngàn con heo ở một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, tôi rất lo lắng. Bởi hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng DTHCP. Để phòng bệnh cho đàn heo của mình, gia đình tôi tăng cường vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại với tần suất 1 lần/ngày thay vì 1 lần/tuần như trước đây, đồng thời, hạn chế để người lạ tiếp xúc với đàn heo”. Giống như anh Phong, anh Lê Văn Thảo, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, cũng “đứng ngồi không yên” hơn 2 tuần qua.
Anh Thảo cho biết, hiện gia đình còn khoảng 60 con heo thịt và 10 con heo giống, trong đó có gần 30 con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng nên anh rất lo lắng. Để phòng, chống DTHCP, gia đình anh phối hợp thú y địa phương tăng cường phun xịt tiêu độc, khử trùng trong và ngoài chuồng trại, đồng thời tiêm tăng cường thêm kháng sinh để tăng sức đề kháng cho đàn heo, tránh để các dịch bệnh cơ hội như tai xanh, lở mồm long móng, thương hàn, tụ huyết trùng,... xuất hiện và gây hại cho đàn heo.
Các ngành, địa phương tích cực vào cuộc
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống DTHCP cho các cơ quan truyền thông đưa tin theo tinh thần vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ, phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang, lo lắng, quay lưng với thịt heo sạch, thịt heo có nguồn gốc và đã được kiểm dịch. Đồng thời, phối hợp các địa phương, các ngành vào cuộc chống dịch, không để dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh”.
Trước sự đe dọa của DTHCP, các ngành chức năng tỉnh chủ động tham gia chống dịch. Đại tá Phạm Hữu Châu - Phó Giám đốc Công an tỉnh, thông tin: “Thời gian qua, Công an tỉnh phân công lực lượng tích cực tham gia công tác phòng, chống DTHCP tại các địa phương nhằm ngăn chặn triệt để các sản phẩm từ heo có nguy cơ nhiễm bệnh vào địa bàn tỉnh, giảm thiệt hại thấp nhất cho các hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, lực lượng công an phối hợp chính quyền các địa phương và các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp để tuyên truyền, ngăn chặn, phòng, chống bệnh dịch lan rộng, đồng thời tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiêu thụ heo bệnh và heo chết do bệnh dịch”. Còn tại các tuyến biên giới, bộ đội biên phòng phối hợp địa phương tăng cường kiểm tra. Đại tá Nguyễn Văn Sóc - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho hay: “Đơn vị chủ động phòng, chống DTHCP tại các đồn tuyến biên giới, đồng thời tăng cường kiểm tra các tuyến đường mòn, lối mở và các con đường có khả năng vận chuyển heo lậu qua biên giới”.
Theo Trưởng phòng Kinh tế TP.Tân An - Đỗ Văn Thạch, để người dân an tâm sản xuất và tiêu dùng trước nguy cơ xâm nhập của DTHCP, thời gian qua, thành phố khẩn trương thành lập các chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông, đội kiểm dịch động vật cơ động liên ngành nhằm kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo; tích cực triển khai tiêu độc, khử trùng, phun hóa chất, rắc vôi bột, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, thành phố còn tăng cường vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng người, phương tiện ra, vào khu chăn nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất việc ra, vào các khu vực sản xuất giống; tổ chức giám sát chặt nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ heo và có phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán heo, các sản phẩm từ heo khi phát hiện có vi-rút DTHCP./.
Hải Phong - Bùi Tùng