Tiếng Việt | English

14/07/2016 - 11:31

Chuyển biến tích cực từ phân luồng học sinh

Tiến tới hình thành cơ cấu lao động phù hợp

Sau những bước đầu thực hiện phân luồng học sinh (HS) và các chính sách ưu tiên dành cho HS tốt nghiệp THCS học nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, cùng với tình trạng một số thạc sĩ, cử nhân ra trường không tìm được việc làm phù hợp dẫn đến cách nhìn của xã hội về học nghề có chuyển biến tích cực. Đồng thời, thông qua công tác hướng nghiệp của các trường THCS, công tác tuyển sinh và những thông tin về lợi ích khi lựa chọn học nghề của các trường nghề, phụ huynh, HS quan tâm và lựa chọn học nghề nhiều hơn, đặc biệt HS trung bình, yếu kém.


Tiết thực hành của học sinh học nghề

Vai trò hướng nghiệp của nhà trường

Tuy xã hội có cái nhìn thoáng hơn giữa "thầy" và "thợ", nhưng vai trò của các trường THCS trong công tác hướng nghiệp cũng góp phần quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS. Theo đó, ngay từ đầu năm học, các trường THCS chú trọng công tác hướng nghiệp cho HS.

Mỗi tháng, giáo viên hướng nghiệp lần lượt giới thiệu đến HS những bài học với các nội dung: Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn nghề có cơ sở khoa học; thông tin thị trường lao động - nhu cầu nhân công lao động hiện nay; tìm hiểu năng lực của bản thân và truyền thống gia đình; các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS - phân luồng HS sau tốt nghiệp;... Thông qua các tiết học, HS có thêm những kiến thức bổ ích và nhận thức đúng hơn trong việc lựa cho con đường tương lai sao cho phù hợp với bản thân.

Hiệu trưởng Trường THCS Bình Hòa Nam (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An)- Nguyễn Minh Toàn cho biết: Trong tiết hướng nghiệp, ngoài truyền tải nội dung bài học, giáo viên còn trò chuyện, tư vấn theo từng đối tượng HS, giúp các em có lựa chọn phù hợp với khả năng. Trong buổi họp phụ huynh HS, nhà trường thông tin tình hình học tập của HS đến phụ huynh và tư vấn thêm các hướng đi phù hợp cho HS.

Nhờ những công tác định hướng nghề nghiệp, nhiều HS có sự lựa chọn học nghề thay vì học lên THPT. Em Đặng Quốc Trí, HS lớp 9/3 Trường THCS Hướng Thọ Phú (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, tỉnh Long An) bộc bạch: “Cảm thấy bản thân không thể học nổi lên THPT và thông qua các lớp hướng nghiệp em chọn cho mình hướng đi riêng. Đó là đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Lựa chọn này không chỉ giúp em rút ngắn thời gian học, nhanh ra trường đi làm phụ giúp gia đình mà còn có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học khi ổn định hơn”.


Học sinh thực hành ngay sau mỗi bài học

Lợi ích của học nghề

Bên cạnh công tác hướng nghiệp của các trường THCS, vào các đợt tuyển sinh các trường nghề cũng đến trường học tư vấn và giải đáp thắc mắc cho HS về học nghề và lợi ích của việc lựa chọn học nghề. Đặc biệt, các em được tư vấn lựa chọn các nghề đang là nhu cầu của xã hội.

Năm nay, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) tuyển sinh 550 chỉ tiêu hệ trung cấp. Ngay thời điểm học kỳ 2, năm học 2015-2016, trường tổ chức đoàn đến các trường THCS, THPT trên địa bàn Đức Hòa, Đức Huệ và một số trường tại huyện Bến Lức, Thạnh Hóa tư vấn tuyển sinh. Tai các buổi tư vấn, HS được nghe những thông tin mới về Luật Giáo dục nghề nghiệp như: Miễn học phí đối với HS tốt nghiệp THCS khi chọn học nghề; HS có thể chọn học văn hóa nếu muốn liên thông cao đẳng, đại học và có thể không chọn học văn hóa để rút ngắn thời gian học hơn so với trước đây, thời gian đào tạo được rút ngắn,... Trường cũng giới thiệu những ngành nghề chủ lực và là nhu cầu của xã hội đến HS. Bên cạnh đó, nhà trường còn bảo đảm HS được thực hành và cọ sát thực tế tại các công ty, xí nghiệp cũng như có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ngoài đến trực tiếp tư vấn, nhà trường còn phát 4.000 quyển tập có những thông tin tuyển sinh đến 100% HS khối 9, khối 12 trên địa bàn huyện Đức Hòa, Đức Huệ và một số huyện lân cận.


Học nghề hướng đi đúng của nhiều học sinh

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng cho biết: Nhà trường có liên kết với trên 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đó là điều kiện thuận lợi giúp HS thực hành và cọ sát thực tế tại các doanh nghiệp. Hướng tới, nhà trường tăng cường công tác đưa HS đi thực hành tại các công ty, xí nghiệp, giúp các em tiếp cận với trang thiết bị, máy móc hiện đại, cọ sát thực tế và nâng cao tay nghề.

Ngoài ra, cuối mỗi khóa học, nhà trường còn tổ chức các buổi phỏng vấn nhằm giới thiệu việc làm cho HS tốt nghiệp. Theo đó, mỗi đợt HS tốt nghiệp, nhà trường sẽ mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến phỏng vấn HS. HS có thể lựa chọn nghiều doanh nghiệp để tham gia phỏng vấn trong các đợt đó. Nhờ vậy, HS được đảm bảo về việc làm ngay khi tốt nghiệp và cũng có nhiều sự lựa chọn về nơi làm việc.

Nhờ các trường THCS chú trọng công tác hướng nghiệp và những lợi ích của việc học nghề được thông tin rộng rãi, nhận thức về học nghề của phụ huynh và HS có những chuyển biến tích cực. Theo đó, nhiều HS mạnh dạn chọn học nghề thay vì cố gắng gồng mình học lên THPT khi không đủ khả năng. Hy vọng rằng, những thay đổi này sẽ góp phần cân bằng giữa "thầy" và "thợ" và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian tới./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết